22/3/16

Trách nhiệm


Vô tình thức giấc nửa đêm
Ngẩn ngơ, chợt nhớ... êm đềm còn xa
Trên vai, hạnh phúc mẹ cha
Trong tim, day dứt nếp nhà cho con
Đôi tay cố cuộc vuông tròn
Cuộc đời em út vẫn còn quanh co.
Lặng thầm nuốt ngược nỗi lo
Vươn vai đứng thẳng để dò nông sâu
Kiên gan đập nát cái sầu
Gắng xây trụ cột, dãi dầu sá chi
Ngày mai buồn khổ ra đi
Riêng thần Hạnh phúc trị vì nơi đây.

28/6/15

Viết cho tuổi 33


Một buổi tối đưa con đi siêu thị, vô tình nhìn vào gương, nàng thốt giật mình.
Ai đó trong gương vừa quen, vừa lạ. Vẫn biết tại nàng muốn đưa con đi chơi, cậy gần nhà nên xộc xệch sơ sài với bản thân nhưng sao vẫn thấy ngậm ngùi biết mấy.

Nàng chợt nhớ ra nàng đã bước qua tuổi ba mươi tận ba năm có lẻ. Nhìn lại đời chưa thấy làm được gì, mà sao mắt đã có quầng thâm, khóe chân chim bắt đầu hằn lên, vết khắc khổ in hằn. Da mặt cũng không còn căng bóng như xưa. Lại nghĩ, cái ngày mình mười tám tuổi hồn nhiên, căng tràn sức sống ấy cách nay những 15 năm chẵn. Tuổi ba mươi đến rồi, một ngày kia tuổi bốn mươi sẽ đến, nàng đã chuẩn bị gì cho ngày đó?!

Những ngày tháng đã qua thật quá đỗi nhọc nhằn. Nàng rớt xuống và chìm đắm trong đáy vực của tuyệt vọng, của bi ai. Nàng tưởng chừng ngày tháng cứ thế sẽ trôi đi, không đoái hoài đến một người lỡ lầm đường lạc lối. Nàng quyết định chọn con đường này, quyết tâm lắm mà những khi vô phương cầu cứu đã tự quay lại rủa xả bản thân yếu hèn làm khổ lụy đến những người mà nàng yêu thương nhất.

Rồi những nhọc nhằn cũng tạm vơi đi. Nàng đã hòa nhập được trở lại với cuộc sống. Áp lực công việc giúp nàng quên đi những điều cần quên, cho nàng hiểu nàng cần tập trung vào những điều gì. Nhìn con khôn lớn mỗi ngày, ngắm con lúc chơi, lúc ngủ, từ sâu thẳm tim mình, nàng bắt đầu cảm nhận được hương vị của sự hạnh phúc.

Nàng mong sau này khi con lớn khôn, hiểu biết đủ rồi, nàng sẽ kể cho con nghe một câu chuyện....

Sắp bước sang tuổi 34, nàng mong gì?
Mong mình sẽ đỡ hốc hác, hao gầy vì cuộc sống!
Mong công việc phát triển tốt đẹp. Một ngày kia nàng sẽ có một cơ nghiệp cho riêng mình.
Mong gia đình luôn bình an.
Mong cha mẹ khỏe mạnh, tâm tư thoải mái, không còn phải nghĩ suy cho nàng quá nhiều.
Mong cho con trai ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn, biết tự lập và mạnh mẽ.

Người phụ nữ nào cũng thích mình đẹp trong trẻo không cần son phấn. Trời sinh nàng không nhan sắc. Những người xem trọng nhan sắc đương nhiên chẳng ấn tượng gì ở nàng. Điều duy nhất nàng theo đuổi chính là được sống một cuộc sống có ích, tràn đầy hứng thú và sự nhiệt huyết, được thấy tâm hồn bay bổng theo tự do và sự sáng tạo.

Nàng tự biết tuổi xuân đã qua, còn đâu căng mọng như thưở đôi mươi cho nên cầu mong có thời gian để vừa chăm con chu đáo, vừa có thời gian theo đuổi một lớp Yoga nuôi dưỡng tâm hồn, khí lực và cả đi học thêm kỹ năng để theo đuổi ước mơ. Phải có sức khỏe thì mới hoàn thành vai trò của một người mẹ tốt. 

Nàng luôn thấy có lỗi với con trai. Mỗi khi con ngủ say, nàng lại ngồi dậy và thầm thì với con điều ấy. Nàng xin lỗi con hàng ngàn lần vì những thiếu thốn mà nàng đã gây ra cho con. Con hồn nhiên vì còn đang bé bỏng. Một mai con lớn, con có trách nàng không?

Thôi từ nay sẽ thưa dần những dằn vặt, trở trăn. Mạnh mẽ để vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống. Nàng có hạnh phúc thì nàng mới mang lại nụ cười cho con trai bé bỏng của nàng được.

Có nhiều điều thầm kín đang diễn ra hàng ngày trong tâm hồn nàng. Một trái tim dũng cảm không sợ hãi, một đôi mắt luôn gan góc đối diện thẳng với mọi xung động, nàng không cho phép ai chạm đến cõi tâm tư. 

Nàng muốn được hạnh phúc như bao người. Ngay cả ốc gạo bé bỏng cũng được tỏa sáng hân hoan dưới ánh bình minh, huống chi nàng. Tháng 7 sắp tới. Bồi hồi xuyến xao. Sẽ tự tặng cho bản thân một lẵng hoa thật đẹp, thật rực rỡ chào tuổi 34 nhé. Có cha mẹ và con trai bên cạnh, còn gì hạnh phúc hơn!

28/6/2015


8/2/15

Lạc lõng


Một tiếng động vang lên, nàng choàng tỉnh. Vừa hay tan khỏi một giấc mơ.

Nàng ngồi dậy, ngơ ngác một lúc rất lâu vẫn chưa định thần. Hình ảnh cuối cùng đầy ám ảnh với cảnh nàng địu con trai đang say ngủ trong lòng đứng ở ngôi nhà đó, rất gần những người mà từng một thời nàng vô cùng yêu thương đó, nhưng không một ai đón nhận mẹ con nàng. Nàng chuẩn bị bế con đi khi bên ngoài trời sập tối âm u và mưa gió rít gào chờ đợi. Giấc mơ này cứ vài ngày lại lặp lại một lần khiến vết thương trong tim của nàng tấy đỏ, tưởng chừng mãi mãi đau đớn khôn nguôi.

Nước mắt cứ thế rơi xuống, lã chã. Sợ con trai nhìn thấy, nàng vội vàng lau đi.

Nàng đã cố tình ngủ quá lâu để mong quên đi cơn đau dài dằng dặc của mình, như thể đó là cách duy nhất giúp nàng chạy trốn khỏi thực tại đang hiện hữu. Nàng không biết bản thân sẽ còn cần bao nhiêu tháng năm nữa để có thể điềm nhiên nhìn lại. Mỗi ngày đều cố gắng lao mình vào công việc, sự bận rộn chân tay sẽ giúp cho đầu óc xao lãng đôi chút. Nàng gượng được cho qua mọi thứ cũng nhờ vào điều đó.

Co lại như một con nhím, nàng xù lớp lông cứng và sẵn sàng bắn trả vào mọi thứ gợi nhắc đến sự thất bại, giá trị bản thân đã bị mai một của mình. Nàng bất cần tất cả. Có lẽ tự thân đã bỏ bê nuôi dưỡng tâm hồn quá lâu nên con người nàng chai cằn như đá sỏi.

Bởi vậy, khi quay lại với cuộc sống sau nhiều năm lẩn trốn, nàng thấy mình ngẩn ngơ như một con nai đi lạc vào thành phố. Mọi thứ thật lạ lẫm.

Lật quyển danh bạ nhạc khi cùng đồng nghiệp đi hát karaoke, nàng tìm những bài hát mình yêu thích rất khó khăn vì nó gần như bị chìm đi trong vô số những bản nhạc mới.

Nếu đi uống cà phê nói chuyện với những người thân thiết hiện tại, nàng cũng chẳng biết đi đâu ngoài đến những quán xưa cũ từng ngồi nhiều năm trước. Vậy nên nàng toàn để họ chọn quán rồi tới. 

Bạn bè xưa, họ đã đi rất xa, trong khi nàng còn đang dậm chân tại chỗ. Khi có dịp gặp lại, câu chuyện của họ dường như chả ăn nhập gì với tư duy của nàng, còn những gì nàng nói ra, họ gần như không hiểu. Khoảng cách quá lớn, nàng cũng không thiết tha hàn gắn. Cứ thế buông cho mọi thứ được tự do đi theo quỹ đạo của nó. Dẫu có tuột khỏi tầm tay thì nàng cũng dửng dưng chẳng hề nuối tiếc.

Ngay cả khi quay lại với công việc viết lách, nghề của mình, nàng cũng gặp vô số trở ngại. Một bộ não đã từ chối nạp thông tin mới quá lâu chẳng khác gì cánh cổng bị rỉ rét, ngay cả mở ra cũng là một sự khó khăn. 

Thành phố của nàng không lớn, nhưng trong khi nàng quanh quẩn ở nhà gặm cho khuyết cái bánh khổ đau to tát của mình thì hàng loạt con đường, cây cầu, ngã ba, khu đô thị, tuyến xe bus, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, khu vui chơi, trường học, bệnh viên được xây dựng, hoạt động. Vậy nên mỗi lần đi đâu nàng thường mất khá nhiều thời gian để tìm đường.

Rồi xu hướng sống của người ta bây giờ, thời trang, điện thoại, sự thụ hưởng, quan điểm lập thân..... Ai cũng tỏ ra thông minh, sành điệu với vô số thiết bị công nghệ hiện đại, thông minh kè kè bên người. Nhiều lĩnh vực kinh doanh mới xuất hiện mỗi ngày. Một người yêu hi-tech, công nghệ nội dung như nàng mà nay thấy đầu óc sao quá lạc hậu, như bị đóng băng, rất khó khăn trong tiếp thu kiến thức nghề nghiệp.

"Mình sẽ như thế này đến bao giờ?!" - nàng tự hỏi.

Cái vẻ mặt lạnh lùng, thản nhiên vô sự với đời của nàng ngày càng hoàn hảo. Nàng chẳng hề quan tâm đến việc con người mình đã biến đổi, thậm chí cũng có thể là đã biến chất. Có những lúc quá căng thẳng, nàng dường như nhấn chìm mình trong đại dương đen tối không lối thoát. Chẳng còn nhận ra bản thân.

Lạc lõng quá lâu, mất quá nhiều thời gian cho một vết thương đã cũ, liệu có nên không?
Bao nhêu điều, bao nhiêu người, bao nhiêu việc cần nàng quan tâm, giải quyết, gánh vác, nàng định phó mặc cho đời đến lúc nào?
Đêm có thể thẳm đen và giông bão thét gào, nếu trốn tránh hoặc hãi sợ đối đầu, thì liệu tự nó có thể tan đi?
Nàng biết rõ câu trả lời, chỉ có điều nàng có làm được để mình không còn lạc lõng trong thế giới tươi đẹp này hay không mà thôi??!

Sẽ thay đổi chứ, nàng ơi, vì con trai và những người yêu thương nàng bên cạnh?!




1/2/15

Nói xàm

Vũ khúc cuộc đời (Ảnh sưu tầm từ Internet)

Trời đang hửng hửng bỗng buông nhiều hạt mưa mau, gió thổi từng hồi mang hơi buốt lùa rối cả tóc.

Ngồi bên góc đường, sau tủ bánh mì, nàng kéo cao cổ áo chống lại cái lạnh ập đến rồi nhanh nhẹn đứng dậy kéo bạt che quầy hàng và chỗ ngồi của mình lại. Che chắn xong thì chui vào cái tổ nho nhỏ và ấm cúng của mình, tận hưởng cảnh thanh bình ngắm mưa rơi bên lò than ấm, và dịu dàng chìm đắm trong không gian mênh mang cùng những bản nhạc không lời của Richard Claydeman.

Một người đàn ông ăn vận chỉn chu bước vội qua đường. Chiếc ô tô đậu bên lề chợt lóe đèn sáng chói. Người đàn ông vứt vội điếu thuốc hút dở trên tay xuống lòng đường, leo lên ô tô, đóng cửa lại rồi chạy mất dạng. Hình ảnh điếu thuốc nằm chỏng chơ, còn cố le lói chút ánh sáng trước khi bị dòng xe cộ vụt qua dập tắt dội vào tim nàng, tự nhiên một cảm giác khó chịu ập đến!

Gió thổi mạnh hơn, mưa nhiều hơn, hoa hoàng hậu rụng tím cả con ngõ nhỏ. Chua chát thay, dưới tán hoa là hai thùng rác to. Những cánh hoa tím biếc rụng tím biếc con ngõ lẽ ra mơ màng biết mấy, cuối cùng bị cái thô thiển kia lấn át hết cả. Lại thành ra một cảnh nham nhở nửa khóc nửa cười, như thể cái câu "đóa hoa lài cắm bãi cứt trâu".

Cảm giác đó của nàng cũng tựa cảm giác của một số khách đến mua bánh mì ăn sáng, nghe thấy âm thanh du dương của các bản hòa tấu, tự họ cũng thấy khó chịu khi một ả bán bánh mì vỉa hè mà cũng nghe cái thứ âm nhạc có vẻ sang chảnh đó vậy. Đôi khi có người dò hỏi, nàng mỉm cười kể về một vài kỷ niệm hồi đi học Đại học. Họ có vẻ ngạc nhiên. Thời nay, bán bánh mì vẫn là công việc lao động tay chân. Thế quái nào mà ả bán bánh mì này lại có thể từng học Đại học nhỉ?!

Một người phụ nữ trung niên mặc chiếc áo mưa tiện lợi, dừng chiếc xe đạp cà tàng bên thùng rác. Chị dùng chiếc móc sắt trên tay, bới thùng rác lên tìm kiếm mặc kệ mùi xú uế. Thi thoảng kiếm được một món đồ có thể bán lại cho vựa ve chai, chị cho vào túi to, rồi lầm lũi đạp đi.

Một cụ già ốm tong teo, bước đi xiêu vẹo trong mưa tầm tã, trên tay tập vé số dày dặn. Cụ tiến vào quán cà phê, quán bún bò bên đường, mời khách ở đó mua. Một vài người chủ động vẫy cụ đến dò lại tấm vé ngày qua của họ, nhiều người từ chối vì họ không thấy hy vọng vào trò xổ số có thể mang vận may đến cho mình.

Những em sinh viên trẻ trung, nhiệt huyết, ôm tập sách vở trên tay bước chân vào cổng trường. Em sẽ được học nhiều điều từ trường Đại học, Cao đẳng, và ước mơ sẽ dẫn dắt em tìm kiếm thành công trong cuộc đời về sau. Như nàng ngày xưa, nghĩ vậy, bất giác trên môi điểm một nụ cười.

Tủ bánh mì đặt khuất trong ngõ, mỗi ngày bán được dăm chục ổ. Thành ra có hẳn danh sách khách quen ăn bánh mì hàng ngày do họ thích thú hương vị đậm đà của quán, và còn vì tính tình vui vẻ xởi lởi của bà chủ - mẹ nàng. Có một niềm vui dẫn dắt nàng. Từ e ngại, cuối cùng đã trở nên say mê. Lúc lạc quan, nàng còn mong sau này tích lũy đủ vốn để mở một cửa hàng bánh mì chuyên nghiệp hơn, chấm dứt cảnh ngồi dầm mặt ngoài đường trong mưa nắng, tàn phai hết cả nhan sắc vốn đã eo hẹp của nàng.

Từ ngày quyết định bán bánh mì buổi sáng tăng thu nhập, nàng được trải nghiệm thêm nhiều cảm xúc, thấy thấm thía vinh nhục đời người. Như ngồi trong lò Bát quái luyện đan, có lúc nàng thấy bất nhẫn với cái nhìn thiển cận của người ta vốn quen dò xét phẩm hạnh nhau thông qua vẻ bề ngoài mà kẻ đó chứng tỏ. Bản thân nàng, trước đây, có lẽ cũng từng là một người trong số họ, cho đến khi nàng phải một mình trong bóng đêm đen thăm thẳm không lối thoát, tự khâu vá chữa lành vết thương lòng do đã thơ ngây quá lâu, thì cuối cùng nàng không bao giờ còn nhìn thấy cuộc đời này màu hồng như thời son trẻ được nữa.

Những người hàng xóm, người họ hàng xa đi qua đi lại tủ bánh mì của nàng. Ban đầu họ kinh ngạc vì một người kiêu hãnh như nàng lại có thể ra ngồi bán bánh mì ngoài đường. Rồi sau, họ bắt đầu tỏ thái độ khinh khi ra mặt: "cái ngữ ấy, con đó, bây giờ tàn rồi, chỉ có thể bán bánh mì kiếm sống". Có kẻ cười hô hố hả hê, có kẻ giả vờ thông cảm hỏi han ân cần, nhưng cũng chỉ là để ngắm vuốt xem nàng đang cảm thấy thế nào khi phải đứng bán bánh mì ngoài vỉa hè.

Nàng nghe thấy hết, nhìn thấy hết, nàng mỉm cười. Vui chứ!
Không nhờ việc này sao nàng biết được hết lòng người.
Ngày nắng, nàng đội mũ lưỡi trai, bím tóc cao, bôi kem chống nắng lên tay chân mặt mũi.
Ngày mưa rét, nàng đi ủng, mặc đồ ấm, quấn khăn len và đội mũ len.
Bảo hộ lao động kín kẽ đi bán bánh mì.
Nàng đợi những người thích tỏ vẻ thương hại người khác, những người cười ông ổng sau lưng nàng vì nàng đi bán bánh mì vỉa hè tới lân la nói chuyện, rồi nàng mới kể cho họ nghe rằng, nàng nghe đâu có người cười nàng như này, bày tỏ về nàng như này, abc hầm bà lằng với họ. Nàng sẽ bảo với họ rằng "sao mấy kẻ đó rãnh rỗi và đáng thương quá ha?!". Tức thì một số trong đó mặt đổi sang màu bầm bầm, vội vã nói với nàng rằng: "Ôi, phi thương bất phú, ai nói gì kệ con/cháu/chị/em ơi!". Nàng cười nhạt!

Nàng thích bán bánh mì. Cái vị trí nàng đứng tại vỉa hè này dạy cho nàng nhiều bài học. Cho nàng biết giá trị con người không phải ở áo quần láng bóng, dung mạo tôn nghiêm, tiền bạc xủng xẻng. Tất cả những thứ đểu giả, rởm đời được phát lộ vào những thời điểm, hoặc ở những hành động mà người ta thản nhiên bộc lộ vì nghĩ rằng đã được che đậy kỹ càng rồi qua lớp vỏ bảo vệ của ngôn từ và áo quần, tiền bạc. Như điếu thuốc hút dở được ông chủ lịch lãm vứt tạch xuống lòng đường sạch bóng không vết rác mà nàng vừa nhìn thấy.

Biết đời cũng gian lao lắm.
Và biết đời cũng nhân ái lắm.

Vậy đời này đáng sống quá.
Chỉ cần mẹ con nàng và gia đình có thể sống vui vẻ, những thứ phù du ảo hóa do người đời khoác lên đó, chẳng có giá trị gì đối với nàng.

Mùa đông Huế đỏng đảnh đến lạ, đang nắng mà mưa đến là rét cóng, mà mưa lạnh bao nhiêu, chỉ cần một ngày nắng thì cũng ngay lập tức nóng bức tứa mồ hôi.
Hôm nay nắng nắng mưa mưa, nàng tự dưng thích nói xàm.

Xin lỗi, nàng chỉ là đứa bán bánh mì vỉa hè, thông cảm nhé!

11/9/14

Đi qua những nắng mưa

Lâu lắm rồi tôi mới lại có chuyến đi trên cung đường Hồ Chí Minh. Nhân tiện gia đình đi dự tiệc cưới của anh trai họ, tôi tay xách nách mang con trai tham dự cuộc du lịch vô cùng vui vẻ làm quà tặng cún con yêu dấu nhân con sắp tròn hai tuổi. Sau nhiều năm mài mòn một cơ số quần Jean và váy, cái mông cũng lép đi nhiều phần vì công việc văn phòng tẻ ngắt, đầy áp lực, chuyến đi này như chiếc chìa khóa tra lại vào cái ổ khóa “chủ nghĩa xê dịch” đã bị tôi cố tình lãng quên rất nhiều năm. Tuy lần này lắc lư quắc cần câu trên ô tô nhưng do uống thuốc chống say xe liều mạnh nên đầu óc tỉnh táo lạ thường, thức suốt chuyến đi. Trường Sơn dấu yêu, xanh ngắt và đầy kỷ niệm ở trước mặt, bên cạnh, sau lưng, song song như một người bạn tri kỷ nhiều năm gặp lại. Thấy lòng có nhiều chuyện để nói…
 
Gần mười năm trước, khi đang làm báo, tôi từng nhiều lần một mình một xe máy chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh đoạn A Lưới - Quảng Nam tới các bản làng xa xôi hẻo lánh, những đồn biên phòng gần biên giới, ghé thăm các anh trong Ban chỉ huy xây dựng đường HCM của bên Sông Đà. Nhớ nhiều nhất các hành trình trên con đường xuyên Trường Sơn ấy những khi đang mùa xuân. Tôi từng đứng lặng lẽ rất lâu ngắm nhìn khung cảnh thảm hoa rừng, dây leo trên các triền núi, dưới thung lũng và lan rừng trên các tán cây cổ thụ rừng nguyên sinh nở hoa thơm ngát. Tôi thường dừng lại rửa tay, rửa mặt khi gặp một khe suối nào đó đọc đường đi. Nước tuôn ra từ khe đá mát lạnh tê người. Tầm 3h chiều sương mù bắt đầu giăng dày đặc phải bật pha gần mà đi xuyên qua hàng km đường trong mù mịt, lạnh buốt. Có lần ghé thăm một Đồn biên phòng (không còn nhớ tên nữa) chiều 29 tết. Thấy các anh để cây đào rừng trước sân, và mấy con gà chạy loăng quăng trên đường HCM trong gió rét biên giới căm căm mà lòng ấm lạ lùng. Tôi cũng từng phải nhờ một cán bộ xã dẫn đường người Pako uống giúp tô rượu đoác to tổ bố để khỏi mếch lòng các già làng đã tiếp đón. Và còn nhiều nhiều niềm hạnh phúc khác khi đôi chân này được đặt lên những vùng đất cách xa thành phố đó.
 
Nhiều năm rồi xa cách nghề báo, cái đam mê dịch chuyển, ảnh iếc vẫn còn nằm sâu trong tâm khảm. Ba năm gần đây mắc chuyện đẻ con, nuôi con rất đàn bà phụ nữ, tạm gác lại niềm say mê đi mà nhiều khi đêm nằm vắt tay lên trán thấy thèm quá được hít thở một hơi dài giữa trời đất lồng lộng. Hờ, vì vậy mà tôi nói với con trai “Ta đi thôi!” ngay khi có cơ hội được bứt ra khỏi những tẻ nhạt đời thường.
 
Chuyến ô tô chở tôi và gia đình xuyên qua mấy trăm cây số đường Hồ Chí Minh. Nơi nắng rực rỡ, nơi mưa mù mịt trời đất. Trong khi mọi người ngủ thiếp đi vì quá mệt, tôi lặng nhìn những quả núi đã hàng chục năm sau chiến tranh vẫn còn phơi cái đầu trọc lóc đất nồng, nhiều đồi toàn cây bụi, cỏ tranh. Chẳng biết do hậu quả của chất độc dioxin hay do con người phá rừng lấy gỗ và làm rẫy. Tôi đi qua những con khe, suối cạn trơ đáy toàn đá hộc đá hòn trong khi Tây Nguyên đang mùa mưa. Tôi đi qua những trị trấn, thị tứ thấy huyên náo chẳng khác gì thành phố, tự nhiên xúc động tột độ khi nhìn thấy một rổ rau sống tươi ngon lạ lùng toàn bắp chuối trắng thái mỏng. Trường Sơn vẫn đó, xanh một màu xanh xa xăm. Tôi đi qua những nương lúa, rẫy sắn, rẫy dứa cheo leo trên vách núi. Tôi nôn nao vì xe lắc quá mạnh khi qua những khúc cua tay áo và còn cả vì mùi thơm của đất trời tràn vào qua cửa kính. Tôi và các em hét to lên khi nhìn thấy một dòng thác hùng vĩ đổ xuống từ núi cao hoặc đi qua một con suối nước chảy rào rào. Tôi cũng ớn xương sống khi nhớ lại những bữa cơm trên đường đi, lơ ngơ là bị chặt chém không thương tiếc (hj hj). Tôi sung sướng khi đặt chân đến Pleiku và ngạc nhiên vì thành phố này nhiều dốc hơn sự tưởng tượng của tôi . Mỗi tội mưa nhiều quá, mà các bậc cao niên trong đoàn cứ nhất mực đòi ăn món Huế cho nên cuối cùng vẫn chưa thoát ra được phong vị Huế bởi cái công thức mưa dầm + bún bò giò heo, ha ha. Lâu ngày không đi đâu, thấy mình đúng là sắp thành con ếch giương đôi mắt to thô lố nhìn đời qua đáy giếng. Nghĩ mà xấu hổ!
 
Không có nhiều thời gian dừng lại, Trường Sơn với tôi chỉ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ không lời. Trái tim rung lên bao nhiêu cảm xúc, thấy tiếc vì mình cần phải thêm một thời gian nữa mới lại có thể bắt đầu tiếp tục những chuyến đi. Lần này chắc khó quay lại với nghề báo xưa cũ, mà cũng không đi một mình nữa. Tôi hẹn hò với con các cuộc khám phá. Hứa hẹn nhiều thú vị đây. Chàng mới vừa tròn hai tuổi, cũng còn kha khá thời gian.
 
Ờ thì hành trình cũng như cuộc đời, phải xuyên qua bao cuộc nắng mưa để đến một cái đích nào đó. Nhưng tôi yêu cái lồng lộng của đất trời, nó giúp tôi bớt đi những tủn mủn lo toan cuộc sống thường nhật, cho trái tim được trẻ lại với những khao khát vươn xa, chinh phục. Cho tôi được hạnh phúc thấy mình lớn lên sau những trải nghiệm. Cảm ơn bác tài đã lái xe an toàn, giúp cho gia đình đi đến nơi về đến chốn. Những khi cùng gia đình dừng chụp ảnh xì teen lếch thếch bên ven đường HCM, hoặc mỏi mệt xà vào một quán cơm trên đường đi ăn vội vàng chống đói và mặt tái mét khi nhìn hóa đơn thanh toán, cũng như khi áo quần sang trọng lấp lánh đi dự tiệc, tất cả đều là kỷ niệm đẹp đẽ và vui tươi mà tôi cần lắm trong chặng hành trình riêng mình.
 
Cảm ơn những nắng mưa cuộc đời cho giữ chân tôi nhưng cũng có lúc đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh vượt qua mọi trở ngại. Này thì Pleiku, này thì Tây Nguyên, còn đó với nhau một lời hứa quay lại, không phải bằng cách “cưỡi ô tô xem mưa” như lần này đâu nhé!

Huế, 11/09/2014

2/7/14

Thương





Mỗi ngày truy cập mạng
Thấy lòng nặng trĩu hơn
Khi đó đây xã hội
Chìm ngập trong nỗi buồn

Bao nhiêu vụ cướp hiếp
Những phận đời mỏng manh
Trong một ngày giông tố
Vùi lấp mọi thanh danh

Những số phận éo le
Tại sao trời sắp đặt
Tại cuộc sống thắt ngặt
Hay kiếp trước vụng tu??

Một người mẹ ném con
Xuống giếng sâu lạnh lẽo
Một người mẹ chém con
Vì hận chồng bạc bẽo

Một người cha ích kỷ
Đi theo những bóng hồng
Để sau lưng vợ dại
Và con thơ não nùng

Một người vợ kiệt quệ
Trước cuộc sống hoang tàn
Người đàn ông đời họ
Gây bao cảnh trái ngang

Bao nhiêu bậc cha mẹ
Cực một đời nuôi con
Chăm bẵm và hy vọng
Yêu thương thật chứa chan

Nhưng đến khi già yếu
Con bỏ rơi mẹ cha
Không cơm ăn áo mặc
Không tình thương ruột rà

Mặc mẹ cha vệ đường
Lắt lay ngày xế bóng
Nhiều kẻ còn nhẫn tâm
Đánh đập trong điên giận

Hoặc con trẻ ngây ngô
Thiếu bản lĩnh cuộc sống
Vì đôi lần thất bại
Đã tự hoại thân mình

Chẳng đoái thương công sức
Mẹ cha nuôi bao năm
Giờ đầu xanh nằm xuống
Mẹ cha đau âm thầm

Bao đôi mắt trẻ thơ
Ôi thiên thần ánh sáng
Chưa được sống những ngày
Thơ ngây và vui sướng

Đã chìm trong cơn đau
Đã chìm trong cơn đói
Đã chìm trong đêm thâu
Đã chìm trong bất hạnh

Những đứa trẻ bơ vơ
Không mẹ cha thân thích
Những người già neo đơn
Lòng đau như kim chích

Muốn thấu khổ kiếp người
Hãy đi vào bệnh viện
Bao thân thể quằn quại
Rên xiết bệnh nan y

Giờ được sống bình yên
Nên thấy lòng quý lắm
Ở những nơi xa xăm
Chiến tranh đang rát bỏng

Sống chẳng hề dễ dàng
Từ miếng cơm manh áo
Đến chốn ở dung thân
Và con đường sự nghiệp
Và tình yêu đường trần

Những ngã rẽ bất ngờ
Lái cuộc đời vô định
Bao tai họa bất ngờ
Như lũ bùn ập đến
Ngập đời trong hư vô

Niềm vui trong chớp mắt
Còn nỗi buồn vây quanh
Sống là cuộc chiến đấu
Không khoan nhượng bước chân

Người nghèo khổ cái nghèo
Người giàu buồn cái giàu
Những cảnh khổ trần gian
Bày hàng ngày trước mắt

Ta tự hỏi lầm than
Và nỗi đời cơ cực
Sao đeo đẳng kiếp người
Như cơm chan nước mắt?

Đôi khi lòng bối rối
Muốn đi tìm lời giải
Muốn hiểu đến tận cùng
Những hành động sai trái

Dưới góc nhìn tôn giáo
Có quả báo luân hồi
Dưới góc nhìn khoa học
Là ẩn ức cuộc đời

Trong guồng quay số phận
Loài người đang khóc than
Ngày xưa Khổng Tử nói
“Trời đất vốn bất nhân
Coi vạn vật (như) chó rơm
Coi trăm họ (như) chó rơm”

Trong sự vô tình đó
Hàm chứa một tình thương
Muốn tìm đường giải thoát
Cho kiếp người phận bạc

Mỗi một lần đọc báo
Tim thắt lại, buồn thay
Bởi quanh tôi, đâu đó
Không cơm áo thường ngày

Mỗi một lần đọc báo
Thêm một lần bâng khuâng
Những bé bỏng hy vọng
Sống qua ngày, giản đơn

Mỗi một lần đọc báo
Thấy lòng nặng bất an
Ước chi nhà đủ rộng
Dung chứa cả nhân gian

Mỗi một lần đọc báo
Mong mình giàu giàu lên
Để có thể chia sẻ
Nhiều manh áo, miếng cơm

Mỗi một lần đọc báo
Động lực sống dâng tràn
Phải làm điều gì đó
Cho xã hội, quê hương
Góp một tay xây dựng
Cuộc sống ngập tình thương

02/07/2014





27/6/14

Sự hoàn hảo của tháng 7


Bây giờ Huế là mùa hè, Huế chang chang nắng và thành phố được sống những ngày sống động, hướng ngoại hiếm hoi. Dù là như thế thì Huế vẫn có nét êm đềm riêng. Mỗi chiều đi làm về, tôi lại tưởng tượng ra cái ngày con trai lớn thêm một tí, chiều chiều mẹ lại cầm tay con đi dạo dọc theo những con đường hoa cỏ xanh ngắt, gió thổi rì rào mơn man để ra bờ sông Hương ngồi vãn cảnh hoàng hôn. Hình ảnh đó như động lực thúc đẩy bước chân tôi băng băng vượt qua những trở ngại của cuộc đời.

Đôi khi tôi cũng muốn khóc.
Chỉ là đôi khi thôi. Đó là những lúc đôi vai trĩu nặng, mệt mỏi vì không chống đỡ nổi với cuộc đời. Ha ha, không khóc không còn là phụ nữ. Nhưng những giọt nước mắt đó ít khi được tự do thoát ra khỏi khóe mắt. Nó biết rằng nó phải xuôi xuống, chảy vào trong! 

Tôi thích một cuộc sống hoàn hảo. Tôi thích an toàn, ổn định. Đó là đặc điểm của Cự giải. Tôi thích con vật này vì nó giống tôi, một đứa ưa đi ngang và ngang ngạnh như cua. Tôi đi những con đường người khác ngại đi, và làm những việc người khác ngại làm. Nói chung, sau khi trải qua biết bao thăng trầm, tôi nhận thấy sự ương bướng chưa từng mang lại hạnh phúc cho tôi. Nhưng tiếc thay tôi lại không dừng lại được sự ương bướng trong tâm tính mình. Và tôi có lẽ sẽ còn đi ngang đến hết cuộc đời này.

Chắc tại sinh ra vào tháng 7 nên tôi thích nhất là số 7. Dân làm ăn ghét số 7 vì họ gọi nôm na số đó là số thất bát, hư hại, không thành công. Dù có nhiều ý kiến chê bai về con số này thì tôi vẫn yêu nó nhất. Đơn giản thôi, vì tôi sinh ra vào tháng 7 mà. 

Trước tôi yếu đuối, từng nghĩ rằng mình không hội tụ đủ điều kiện để được hạnh phúc cho nên nếu mình không được hạnh phúc trong cuộc sống thì đó là lỗi do mình. Ngốc thật. Bao nhiêu tuổi rồi mà vẫn còn ngây ngô khi nghĩ như vậy. Bây giờ tôi chẳng thông minh hơn xưa nhưng tôi không đi tìm sự hoàn hảo của cuộc sống và bản thân nữa. Tôi chấp nhận sự khiếm khuyết của tôi, của những người xung quanh tôi, và của cả những điều đang hàng ngày xảy ra với mình. Cũng như tôi chấp nhận được cái vẻ xương xương gầy gò mỏng manh mà ương ngạnh của hình hài số 7. Và rồi tôi thấy hạnh phúc.

Còn hai tháng nữa con trai tôi được 2 tuổi. Cậu bé là niềm hạnh phúc vô tận của tôi. Mỗi khi tôi đi làm, con trai đứng trước cửa vẫy vẫy tay, miệng nở một nụ cười tươi rói và nói: "Bai bai, bai bai, bai bai mẹ đi làm!". Khi tôi chuẩn bị lái xe đi, con trai lại nói: "Mẹ đi rồi!". Tôi mang nụ cười của con bước vào công ty, ở đó, mỗi ngày, những điều bất ngờ vẫn thường xảy ra, có nhiều lúc vượt quá sự chịu đựng của mình. Tôi có thể khóc cười nhân gian ở đó. Cuối ngày, khi vừa bước ra khỏi nơi làm, tôi rũ bỏ ngay lập tức những hỷ nộ ái ố tầm thường và trở về với con. Ở trong nhà, dù có đang làm gì thì nhóc con cũng nghe thấy tiếng xe của mẹ. Cu cậu lại chạy ra cửa chờ mẹ, miệng nở sẵn một nụ cười. Mẹ bước vào cửa, anh chàng reo lên: "A, mẹ. Mẹ Bách!". Mẹ phải chạy vội ra sau nhà, gột rửa toàn bộ bụi đường để tránh lây nhiễm bệnh cho con. Và buổi tối là một cuộc vui chơi vô tận với bao nhiêu trò vui: Mẹ tắm cho chàng và sau khi tắm xong thì hai mẹ con ướt đẫm cả người, mẹ đẩy xe cho chàng đi hóng mát trong sân; mẹ đưa chàng ngắm sao trăng và chỉ cho chàng những ngôi sao sáng nhất, vầng trăng tròn đầy nhất; mẹ đi kiếm thằn lằn cho chàng nhìn vì chàng rất thích thằn lằn; mẹ chỉ cho chàng đàn kiến đang đi kiếm mồi và những con gián, chuột, bọ ngựa xấu xí...để tập cho chàng không sợ hãi trước mọi thứ; mẹ cho chàng ngửi mùi thơm của một bông hoa nho nhỏ mới nở, mẹ cho chàng cầm những chiếc lá để cảm nhận cuộc sống muôn màu; mẹ tặng chàng một chú cún đất dễ thương, chàng ôm cún vào lòng bằng đôi tay bé nhỏ, thơm lên mũi chú cún, mẹ muốn chàng biết cách bộc lộ tình thương từ khi còn thơ bé; mẹ đọc thơ Trần Đăng Khoa cho chàng nghe, mẹ đọc truyện cổ tích ru chàng ngủ, mẹ đi lấy nước cho chàng uống, mẹ chạy theo sau lưng chàng mệt nghỉ để giải quyết các chiến trường của chàng, mẹ chiến đấu với chàng để dành lấy chiếc máy tính làm việc; mẹ đi lấy khăn lau mặt cho chàng, mẹ thay quần cho chàng khi chàng tè.... Khi chàng lên giường ngủ rồi thì mẹ cũng bải hoải toàn thân, cũng lăn ra đánh một giấc đến tận sáng rõ. Và trong khi mẹ cuống cuồng chuẩn bị đi làm thì chàng nhất định ôm chân mẹ, ngẩng mặt lên nhìn mẹ và đòi mẹ bế đi chơi. Mẹ lại phải tìm bà ngoại để giải cứu. Rồi chàng lại bai bai mẹ đi làm. 

Đôi khi buổi tối, mẹ đưa chàng ra đường xem ô tô xe máy, xem người qua kẻ lại xôn xao.
Đôi khi mẹ đưa chàng đi siêu thị, cho chàng đứng trong giỏ hàng và mẹ đẩy đi khắp chỗ để mua hàng và chàng thích thú quan sát mọi thứ.
Đôi khi mẹ đưa chàng đi uống cà phê với bạn bè của mẹ, chàng ngoan ngoãn ngồi yên trong 1 tiếng đầu và hút hết một hộp sữa tươi. Sau đó thì chàng bắt đầu chạy quanh quán và mẹ lại chạy theo chàng muốn đọa.
Đôi khi mẹ cho chàng về biển, chỉ cho chàng biển rộng mênh mông với muôn vàn sóng gió, mây trời, cánh diều. Mẹ nhúng chàng xuống nước biển mặn chát khi chàng yêu cầu và sau đó ôm chặt lấy chàng khi chàng vừa khóc vì sợ vừa thích đùa với sóng.

Chàng đã biết yêu cầu mẹ làm cho chàng việc này việc nọ.
Chàng muốn uống, chàng nói: "Nước"
Chàng muốn ăn, chàng nói: "Đói"
Chàng đau bụng, chàng nói: "Ị rồi ị rồi, đi xi!"
Chàng muốn chơi, chàng nói: "Banh"
Chàng thích mẹ bế đi rong, chàng nói: "Đi chơi, đi chơi!"...

Cứ thế, chàng lớn lên hồi nào mẹ không rõ. Mẹ chỉ biết chàng lớn khi chàng chuyển những yêu cầu mẹ làm việc gì đó cho chàng từ 1 từ lên thành câu 2 từ, 3 từ và sẽ còn nhiều từ hơn về sau này.

Mẹ xót xa khi đi làm về thấy chàng bầm một bên má.
Mẹ khóc khi chàng sốt cao
Mẹ vui khi chàng cười và làm đủ trò nghịch ngợm
Mẹ hạnh phúc khi chàng ăn được nhiều, ngủ được nhiều, và mặc đồ trông rất đẹp trai.
Mẹ tự hào khi chàng tỏ cho mẹ thấy chàng thông minh, ham học hỏi và nắm bắt rất nhanh.

Huế đang mùa hè, Huế chang chang nắng. Huế thời tiết thật khó chịu nhưng tôi vui vì mình đã trở về với Huế và đang sống những ngày đẹp nhất cuộc đời bên cạnh con trai yêu thương.

Dù cuộc sống còn đó nhiều gian nan đường trần và hàng ngày hàng giờ tôi vẫn phải gồng mình để chiến đấu với nó cho miếng cơm manh áo, cho ước mơ và tương lai mẹ con tôi nhưng tôi hạnh phúc vì mình đã lựa chọn nó, chấp nhận nó và vượt lên nó!

Mười ngày nữa tôi được 32 tuổi. Bước qua ngưỡng ba mươi tôi mới nhận thấy mình là ai trong cuộc đời này.

Tôi có thể không phải là một người tình, một người vợ tốt nhưng tôi biết mình là một người mẹ tuyệt vời của con.
Tôi có thể là một kẻ yếu đuối trong tình yêu nhưng chắc chắn một điều tôi là một người mẹ mạnh mẽ. Tôi sẽ bảo vệ con trai tôi an toàn trước mọi phong ba cuộc sống. 
Tôi có thể là kẻ từng thất bại nhưng tôi biết mình sẽ là một người mẹ hiểu con mình nhất!

Số 7 có hình dáng không hoàn hảo khi nhìn qua trông mỏng manh không điểm tựa. Nhưng, nhìn xem, số 7 mang dáng hình mũi con tàu vững chãi luôn ở tư thế sẵn sàng vượt qua muôn trùng khơi biển lớn.
Tôi thấy thân thể mình nhẹ nhõm và có thể bay lên theo những nụ cười của con trai.
Bởi vì tôi là một người mẹ tháng 7.
Vậy đó, tháng 7 đang đến. Tự thấy mình thật hoàn hảo ở tuổi 32!!!

9/6/14

Nhớ hoài dâu chín tím vân

 
 
Nhà em ở cạnh nhà anh
Cách nhau một dải dâu xanh mượt mà
Ngày xuân dâu nở nhiều hoa
Hương thơm man mác hai nhà đón xuân
Bao giờ dâu chín tím vân
Hái dâu gửi tặng người gần nhà anh

Bài thơ “Dâu chín tím vân” của nhà thơ Phạm Văn Tất đọc lên có cảm giác vừa lạ vừa quen. Quen vì chuyện giống chuyện. Còn lạ bởi tình yêu trong thơ ông có màu sắc và mùi vị rất riêng xưa nay chưa từng thấy. Đây là một trong số những thi phẩm mà tôi ưa thích do tác giả Phạm Văn Tất sáng tác. Bài thơ có cái vẻ nhỏ xinh như một món quà lưu niệm mà người ta trao nhau vào một dịp hợp lý nào đó.
 
Yêu người hàng xóm vốn không phải là đề tài mới trong thi ca Việt Nam. Hàng chục năm nay, bài thơ “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính vẫn luôn nhận được sự yêu mến của độc giả. Chưa kể trong âm nhạc chúng ta không thể không nhắc đến hai nhạc phẩm nổi tiếng là “Cô láng giềng” của Hoàng Qúy và “Cô hàng xóm” của Lê Minh Bằng. Dẫn chứng ra như vậy để thấy rằng, khi nào mà còn cái cớ “nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi/ cái hàng tường vi hay chỉ là một ngõ xóm” thôi thì cũng đã đủ chất liệu dệt nên một tình yêu lãng mạn.

Như tôi có đề cập đến ở trên, “Dâu chín tím vân” thoáng đọc có dáng dấp của tác phẩm “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính về bối cảnh. Bài thơ nhắc đến một chuyện tình thơ mộng thôn quê. Chàng trai và cô gái dường như lớn lên cùng nhau và:

Nhà em ở cạnh nhà anh
Cách nhau một dải dâu xanh mượt mà

“Nhà em” cách “nhà anh” “một dải dâu xanh mượt mà”. Không giống các ranh giới “kinh điển” là dậu mồng tơi, bờ tường vi hay con ngõ nhỏ, “dải dâu” khiến người đọc khó ước lượng được khoảng cách giữa nhà chàng – nàng, còn màu “xanh mượt mà” lại gợi nhớ đến tuổi thơ và những kỷ niệm dịu dàng thuở hoa niên đã có giữa hai người. Thế rồi:

Ngày xuân dâu nở nhiều hoa
Hương thơm man mác hai nhà đón xuân


Đây là hai câu thơ rất dễ chịu. Nó đóng vai trò diễn tả, kết nối không gian từ quá khứ đến hiện tại và rồi sẽ là một tương lai nào đó có khả năng xảy ra. Người đọc được chìm mình trong một khung cảnh yêu kiều: trời đất đã vào xuân, dải dâu xanh ngày nào nay đã nở hoa. Mùa xuân hoa nở là chuyện đương nhiên, có điều “hương thơm man mác” lan tỏa giữa hai ngôi nhà chúng ta là hương hoa dâu thật hay chỉ cái ý “tình trong như đã mặt ngoài còn e” của lứa đôi. Tuy không còn che giấu được nữa nhưng cả hai cũng chưa xác định sự chắc chắn trong tình cảm của mình và người kia cho nên thực ra tình dù có song cũng chỉ là “phảng phất” như hương hoa dâu đó thôi! Vậy nên chàng trai phải mượn cảnh xuân để nói tình xuân:

Bao giờ dâu chín tím vân
Hái dâu gửi tặng người gần nhà anh


Chúng ta nhận thấy có sự tăng trưởng về mặt thời gian qua hiện tượng: dâu xanh mượt mà à mùa xuân dâu nở nhiều hoa à dâu chín tím vân khiến một sự việc từ “mơ hồ” trở thành “nắm bắt được”: “hương dâu man mác” nay đã có thể “hái dâu gửi tặng”. Đây là quãng thời gian thực, tương đương một mùa vụ trồng dâu nuôi tằm.

Xét về mặt hiện tượng, rõ ràng người con trai chỉ hứa tặng cô gái những chùm dâu ngon khi chín tới nhưng thực ra ẩn sâu trong câu nói của chàng là một lời thổ lộ và hứa hẹn yêu thương chu đáo. Người đọc cho rằng chàng trai trong bài thơ rất chín chắn trong tình yêu.

Chàng trai hoàn toàn có thể nói với cô gái rằng “Em ơi, khi nào dâu nhà anh chín thì anh hái tặng em nhé!”. Nếu chàng nói vậy chúng ta có thể hiểu rằng đúng là lúc nào dâu chín anh mời cô ăn thật, tức chẳng có tí tình cảm gì hết hoặc chàng có ý nhưng chàng vẫn còn “trẻ con” quá, thật thà quá. Cô gái chắc chắn sẽ thất vọng. Cô gái chắc chắn sẽ dỗi hờn mà trả lời rằng: “Nhà em cũng có dâu chín anh ạ”, hoặc sẽ là “Em không thích ăn dâu” để mà từ chối, để mà cong cớn với người con trai “ngốc” đang đứng trước mặt nàng.

Thế nhưng chàng trai lại khéo quá cơ!
Chàng không nói “dâu chín”, chàng nói “dâu chín tím vân”
Chàng không nói “hái dâu mời em”, chàng nói “hái dâu gửi tặng người gần nhà anh”
 
Qủa dâu tằm chín nào phải loại trái cây sang quý gì đâu mà phải nói năng trịnh trọng đến thế. Người đọc có lạ gì quả dâu tằm bé bé xinh xinh ấy. Khi chín, thường dâu chuyển từ màu xanh non sang màu hồng, màu đỏ và cuối cùng là chín đen, khi đó quả dâu khá ngọt. Thế nên tôi có phần ngạc nhiên trước màu “dâu chín tím vân” của tác giả. Tìm trong thực tế, tra trong các bảng màu, tôi chẳng thấy có định nghĩa về màu “tím vân” như tác giả nói. “Tím vân” chắc chắn là một dạng của màu tím - vốn tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu. Ai cũng hiểu tím than, tím đỏ, tím Huế, tím sim… chứ tím vân thì…. Người đọc cho rằng màu tím vân ấy có xu hướng tím đậm đà, hơi ngả ánh của ráng chiều. Nó có phần nhẹ như mây nhưng rõ ràng hình khối. Mà cũng có lẽ, màu ấy của quả ấy thực ra là màu của tình yêu chàng dành cho “người gần nhà anh” đấy thôi.

Tôi đoán chàng trai muốn nói với người con gái mà anh đang thầm thương trộm nhớ rằng: hiện tại tình cảm giữa hai người tuy có nhưng vẫn còn mông lung, chưa rõ một điều gì và chưa thể đi đến một quyết định gì. Vậy hãy chờ thêm một thời gian nữa, để cả hai bên được tìm hiểu nhau rõ ràng hơn và cũng xác tín thật rõ lòng mình. Một khi tình yêu đủ chín, chàng sẽ tặng cho cô gái những gì tốt đẹp nhất, chung thủy nhất.

Chao ôi, tôi cho rằng những mối tình hoa mộng như trong bài thơ “Dâu chín tím vân” này bây giờ thật tìm chẳng thấy bởi quá thanh khiết và dịu dàng. Và cách tỏ tình kiểu “ý toại ngôn ngoại” này thực sự chỉ có thể dành cho người tri kỷ mà thôi.

Một trong những điểm mạnh của nhà thơ Phạm Văn Tất là sử dụng nhuần nhuyễn thể loại thơ lục bát. Thể thơ này đã đem lại cái phong vị thôn dã tươi sáng, thuần hậu đậm đà chất Việt và bàng bạc hoài niệm cố hương cho bài thơ.

Có bao nhiêu con đường để đi đến tình yêu thì cũng có bấy nhiêu cách bày tỏ tấm chân tình. Các cô gái đang yêu thường hay hỏi người yêu rằng: “Tại sao anh yêu em?”. Chắc chắn sẽ có hàng ngàn đáp án kiểu như “Vì em xinh, vì em ngoan, vì em dịu dàng, vì em tóc dài, vì em da trắng….”. Ngoài các câu trả lời chính đáng và làm đẹp lòng người yêu này thì trong nghệ thuật lẫn đời sống thực, người đọc còn thấy có một câu trả lời rất chi đặc biệt: “Vì nhà em ở cạnh nhà anh”

Graham Greene nói rằng: "Chẳng bao giờ xảy ra chuyện ta yêu mà người con gái không hề hay biết – ta tin rằng mình đã tỏ tình một cách rõ ràng bằng một giọng nói, một cái chạm tay". Vì vậy ta cũng có thể kết luận rằng, khi chàng trai hái những chùm dâu chín tím mọng trong vườn mình gửi tặng người con gái thì chắc chắn là một lời tỏ tình êm ái!

Hạ Vũ

22/2/14

Khuê của mẹ


Con nhỏ bé
Ngủ còn mơ bú mẹ
Bàn tay thơm
Tìm ôm mẹ trong đêm

Mẹ yêu con
Nước mắt chực tràn lên
Lời con gọi
Như xé lòng của mẹ

Con yêu ơi
Ngày càng ngoan ngoãn nhé
Cuộc đời này
Có mẹ nắm tay con

Rồi mai đây
Hạnh phúc sẽ vuông tròn!
.....

Con của mẹ
Ngày mai tươi đẹp lắm!

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes