Một ngày nào đó bên dòng đời dịu dàng, ta đột nhiên thấy mình bị chìm lấp trong một nỗi mênh mông không lượng được bến bờ.
Cái mênh mông ấy có khi đến:
… từ những ẩn ức về nhân tình thế thái
….những mệt nhoài xứ lạ kiếp tha phương
… sự vô thường của cuộc đời
… những rung động đớn đau trước khổ ải, bất công mà ta nhìn thấy.
Hoặc khi ta nhỏ bé trước tình yêu, sự chân thành, cái đẹp, và thiên lương.
Để rồi, từ những cung đàn muôn điệu ấy, người thi sĩ cất lên lời hát tự suối nguồn trái tim.
Nhà thơ B. Shelly ví rằng: “Thi sĩ là một con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình.”
Tôi đã bắt gặp một lữ khách ngồi ngóng những buổi chiều. Khi khuôn mặt người chìm dần trong hoàng hôn thẫm tím cũng là lúc lữ khách ấy trải những suy tư của mình theo cơn gió thành Praha mơ mộng.
Tôi có thể gọi tên ông, Đức Vượng, người gom nhặt những buổi chiều thành thi ca!
Tuy ví ông như một chú sơn ca cất lên tiếng hát trái tim trong những chiều muộn muộn, nhưng tiếng lòng của Đức Vượng đâu chỉ để làm vui cho sự cô độc của chính mình. Với ông, có lẽ, “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” - như câu cách ngôn nhân ái của nhà phê bình văn học Nga Biêlinxki:
Đi dọc cuộc đời
Thi sĩ Đức Vượng có họ tên đầy đủ là Đàm Đức Vượng. Ông là người làng Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Với ký ức từng trải qua những năm tháng làm công nhân, chiến đấu trong quân đội, phóng viên, nhà khoa học, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở các cơ quan của Đảng, cuộc đời ông là một pho sử sống động, ăm ắp chữ tình.
Năm 1986, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) về đề tài Hồ Chí Minh. Năm 1992, ông được Nhà nước phong Phó Giáo sư Sử học. Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều cuốn sách được xuất bản và cũng nhiều năm đảm đương trọng trách chính trị Tổ Quốc giao phó ở các nước bạn. Tôi đồ rằng, ông từng có khi không phân biệt nổi mình là nhà khoa học làm chính trị hay nhà chính trị làm khoa học.
Thi ca kỳ ngộ thành tri kỷ của ông từ ngày nhận nhiệm vụ công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Sec năm 1999. Ba năm ở Sec, đồng thời cùng các công việc ngoại giao của một Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam, PGS. TS Đức Vượng đã dùng thơ ký họa lại những cảm xúc từ thẳm sâu tim mình sau những gặp gỡ, chia sẻ, yêu thương, chiêm nghiệm về cuộc sống. Các tác phẩm thơ của ông ngoài được đăng tải trên Tạp chí “Quê hương” của Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Sec đều được chọn lọc và in đầy đủ trong tập thơ “Tình đời”, cùng một tập khảo cứu khoa học “Những ngày ở Sec”.
169 bài thơ là 169 khúc tâm tình lắng đọng. Đọc nhiều, đi nhiều, quan sát nhiều, ông trải cái nhìn của mình thành những giọt yêu thương. Đức Vượng quan niệm: “Tôi nhận thức rằng, dù bất kỳ thể thơ nào cũng phải có vần có điệu. Tôi nhận thức rằng, thơ không có vần điệu thì không thành thơ. Thơ phương Tây ít vần điệu, triết lý sâu sắc. Thơ phương Đông nhiều vần điệu, tình cảm lắng đọng, thâm trầm”.
Quan niệm của ông về thơ tuy dung dị mà đạt được đến cái rung cảm Chân – Thiện – Mỹ của thi ca!
Đọc đi đọc lại những bài thơ của Đức Vượng, trong tôi bùng lên cảm giác muốn nhìn xuyên qua rất sau những lớp ngôn từ mộc mạc, những cấu tứ có đôi khi dường như chưa bật lên sự óng ả của nàng thơ để hiểu cho đến tận cùng mọi ẩn ý sâu xa mà ông gửi gắm. Một người đi tắt qua cuộc thơ mà để lại bao ân tình, ắt phải có sự thúc đẩy gì ghê gớm lắm?!!!
Tôi biết ông là một nhà sử học – một nhà khoa học chân chính, một chính trị gia nhiệt thành.
Nhưng tôi đã nhìn thấy, trong thơ…
Tấc lòng vời vợi trông về cố hương
Nhà thơ, trước hết anh phải là một con người!
Con chim có tổ, con người có tông. Như trong tự bạch về mình, Đức Vượng viết rằng: “Nam Định, quê hương tôi đã một thời gắn bó. Tôi rất yêu quê nhà và đã làm hết sức mình vì danh dự của quê hương”.
Thế nên, khi xa đất nước, gia đình, lòng nhà thơ cũng rộn ràng nỗi nhớ mà mọi người con Việt đều “nghe nhói trong tim”:
Đậm đà hai tiếng “Quê hương”
Trái tim rạo rực tấm lòng khôn nguôi
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Cây đa, bến nước, nụ cười còn nguyên.
(Quê hương)
Từ những cái miên man, nhiều hình ảnh, nhiều cảm giác, nhiều mùi vị, nhiều ký ức đan cài vào nhau không thể định hình, định tính, đột nhiên như thể khí gặp môi trường phù hợp mà ngưng tụ lại thành giọt sương nhỏ xuống hiên nhà vọng tiếng “tách” trong đêm thâu, tình cố hương tự thẳm sâu nào đó bỗng dưng trỗi lên mãnh liệt bởi một thanh âm lặng lẽ.
Đêm qua lá rụng lao xao
Sáng nay bật dậy cồn cào nhớ quê
(Quê hương)
Ai từng xa nhà, ai từng đăm đắm cõi lòng vời vợi “cùng trông lại mà cùng chẳng thấy” cố hương dường như đều có thể thấy tim mình nảy lên một nhịp. Nếu không phải là nỗi nhớ quê làm cho lòng thao thức, mắt chong chong, sao nhà thơ nghe đặng một chiếc lá chao mình đáp nhẹ xuống mặt đất trong đêm. Một chiếc lá chạm khẽ, hai chiếc lá chạm khẽ, nhiều chiếc lá chạm khẽ… Lá chạm đất lao xao hay lòng người lao xao. Để rồi nhiều nhiều những lao xao gặp nhau đến độ nhà thơ bật dậy trên gối, thảng thốt nhận ra: Tôi nhớ!
Cái vô tình của đất trời đối với cái hữu tình của lòng người. Cái nhẹ bẫng của cuộc đời đối với cái nặng trĩu của tình người. Như dòng nham thạch tiềm thức được khơi thông sau một chấn động khẽ của tầng địa chất mà tuôn trào dữ dội, ta như thấy nhà thơ cúi gập người để ngăn lại nỗi nhớ đang cào cấu ruột gan.
Lạ lắm không?!!
Chí nam nhi biển hồ lai láng, sao chỉ một chiếc lá rơi mà cầm lòng không đậu!
Âu cũng bởi cái sự vi tế của một tâm hồn.
Cảm một chiếc lá rụng trong tâm tình nhớ quê của Đức Vượng, tôi chợt nghĩ đến đôi câu thơ khuyết danh nổi tiếng của người Trung Quốc: “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu” (Một chiếc lá ngô đồng rụng, cả thiên hạ đều biết là mùa thu). Cái sự một chiếc lá ngô đồng rụng báo hiệu mùa thu đến là gắn với quy luật tuần hoàn của tự nhiên. Người nhìn ra một chiếc lá ngô đồng rụng mà biết mùa thu đến đã là bậc tinh tế của xúc cảm. Còn với Đức Vượng, chiếc lá rụng thường tình đêm xuân xứ người thôi mà rúng động chạm đến đáy một khối tình. Ông tự gọi tên một mùa thu tâm hồn hằng say đắm mong chờ của riêng mình. Ấy là nỗi nhớ quê hương da diết.
Với một người vừa mon men đến chân tháp ngà thi ca mà đã vẩy bút ra đôi câu thơ ấy thực đáng nghiêng mình!
Không dìm mình trong nỗi cô đơn vì nhớ nhung, Đức Vượng mang chút ấm áp quê hương từ trái tim chia sẻ cho những đồng bào đang ngày đêm bươn chải xứ người. Dấu chân Đức Vượng in khắp những nơi có bà con người Việt Nam sinh sống, làm ăn.
Trước khi là nhà đại sứ, nhà thơ, Đức Vượng là một nhà sử học. Thế nên, đi đến đâu, ông cũng quan sát và lý giải sự vật, sự việc bằng cái nhìn đa chiều và sâu sắc của một nhà lịch sử. Tôi tin là nghề nghiệp thấm vào ông. Tôi cũng tin nhà sử học của chúng ta ắt nằm lòng quan niệm “phi thương bất phú” và vai trò của “cái chợ” trong sự phát triển kinh tế Việt Nam tự ngày xưa. Người Việt có một đặc trưng: người đi đến đâu, chợ lập theo đến đó. Người đến chợ không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn để gặp gỡ và trao đổi tình cảm.
Một nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài từng phát biểu rằng: “Chợ Việt Nam, đó là thương trường bán lộ thiên kỳ diệu, như sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị của thiên nhiên, con người và xứ sở. Quả thật đi chợ Việt, cũng là lúc con người ta chìm đắm trong một biểu cảm của một sắc thái Việt, một thứ văn hoá sống động chứa chất đầy một tính duy cảm”.
Thế nên, muốn biết một vùng đất giàu hay nghèo, trù phú hay cằn cỗi, con người ở đấy nồng hậu hiền hòa hay dửng dưng xa lạ, xin mời khách đến thăm chợ xứ. Từ phiên chợ mà luận ra văn hóa, con người, thiên nhiên và sự phát triển xã hội ngay thôi.
Tôi dõi theo bước chân nhà thơ Đức Vượng trên mọi nẻo đường nước Sec. Đến nơi nào có người Việt là ông đi tìm ngay những cái chợ. Có chợ giàu, có chợ nghèo, có chợ trù phú, có chợ quạnh hiu. Bằng con mắt tinh tường của mình, ông hiểu ngay người Việt ở nơi này có đời sống như thế nào. Để rồi từ đó, ông tận tụy giúp đỡ đồng bào đến tới hạn mà ông có thể.
Ông hoan hỉ reo vui khi đến những phiên chợ nhộn nhịp, sầm uất.
Hàng hóa Khép đây chất đầy trời
Đàng hoàng Khép dựng một cơ ngơi
Chợ đông ngỡ Khép đang trảy hội
Đẹp lắm Khép ơi những nụ cười
(Khép lại một tình yêu)
Ông đến Khép (Cheb), Khép mà đâu khép. Khép chỉ là một địa danh có đông người Việt sinh sống, buôn bán làm ăn. Cách chơi chữ của ông dẫn người đọc từ sự hồ nghi một mối tình nam nữ không thành chuyển dần sang niềm hạnh phúc tự hào bởi ý nghĩ: những người con nước Việt dẫu đi đâu ở đâu vẫn vững vàng gây dựng cơ nghiệp, để tiếng thơm đậm dấu đất người.
Ông đến Plzen và hòa cùng bà con nơi này tiếng ca mừng vui cuộc sống ngọt bùi:
Nơi đây buôn bán thuận hòa
Lấy công làm lãi vốn là chân quê
…. Plzen đẹp một góc trời
Cộng đồng người Việt một thời ở đây
(Tâm tình)
Ông đến chốn biên thùy Mônđôva, nhấp chén rượu cay chia sẻ tình đời nồng hậu:
Gió mưa vẫn ấm trong lòng
Tình người đem gửi vào trong tình đời
Thương trường hối hả ngược xuôi
Quê anh Nam Định còn tôi Thái Bình
(Kỷ niệm về Mônđava)
Từ biên giới ông ngược về phố thị, đến Trung tâm thương mại Asia Baza, chợ Bokave… để được hòa chung nụ cười rạng ngời.
Đến thăm chợ Bokave
Người người mua bán, xe xe rầm rầm.
Đất trời bát ngát mênh mông
Ở đây hàng hóa chất chồng như nêm
(Nơi địa linh thương phú)
Asia Baza
Trung tâm buôn bán phồn hoa tưng bừng
Bà con ơi! Nỗi vui chung
Thương nhà dẫn đến vui cùng thương gia.
(Bài ca Asia Baza)
Cạnh những tiếng cười vang hạnh phúc khi thấy đời sống người Việt giàu có, phát triển, ta cũng thấy ông cúi mặt ngậm ngùi xót xa với những mảnh đời khốn khó, phiêu bạt lang thang.
Có những phiên chợ người người đi như trảy hội, sao cũng có những buổi chợ lạnh giá đìu hiu đến vậy:
Nơi đây bươn bả thương trường
Lưa thưa người Việt thất thường làm ăn
Chiếc quần chiếc áo mong manh
Lèo tèo bóng dáng vắng tanh khách hàng
(Một vùng biên giới)
Đã “bươn bả” rồi mà vẫn “lưa thưa”, “thất thường”, đã “mong manh” lại còn “lèo tèo”, các tính từ láy đi láy lại như một nỗi ám ảnh thân phận day dứt.
Trời mây trùm kín không gian
Ỉu xìu cho cảnh cơ hàn nơi xa
(Một vùng biên giới)
Praha, chợt gặp người đàn ông liêu xiêu
Chào bạn từ đâu tới
Từ vùng rét cắt da
Còn tớ sát biên giới
Người Việt Nam chúng ta
… Ngày mai tính sao đây?
Về quê hay ở lại?
Mái quê ấm nhưng nghèo!
Còn ở đây gieo neo!
(Gặp nhau)
Chiều biên giới Sec - Slovakia, gặp một đóa hoa mỏng mảnh tiều tụy
Hàng bây giờ ế lắm rồi
Quạnh hiu hiu quạnh không người lại qua
Hoa rừng đã héo hôm qua
Họa may còn có hoa là em đây
(Mong manh chốn biên thùy)
Em phiêu bạt sang đây
Cuộc đời như áng mây
Lững lờ bay theo gió
Mà biết đi về đâu
….
Vui một và buồn mười
Không khóc được nên cười
Vì đã hết nước mắt
Còn cười nhăn đười ươi.
(Thương cảm)
Một dấu chấm than ở cuối câu, một tiếng thở dài, và một nụ cười vô cảm khó cắt nghĩa. Sự day dứt đến giờ dường như vẫn chưa có lời đáp. Là thêm một gánh nặng tâm hồn mà nhà đại sứ mẫn cảm phải mang theo trong tim!
Đi qua những niềm vui, đi qua những nỗi buồn, đi qua những nhung nhớ nhói lòng, Đức Vượng chưa bao giờ nguôi quên niềm tự hào là người con Việt. Dẫu đời sống còn đó bao khốn khó, nhưng tình đồng bào thắm đượm chảy mãi trong dòng máu Lạc Hồng.
Chiều nay tôi đến thăm Decin
Như đang đi về thăm gia đình
Rumburl, Palí, rồi Dolní
Ánh nắng tràn trề chiếu vào tim
Người Việt ở đây sống ấm êm
“Xóm nghèo” vẫn giữ trọn niềm tin
Tắt lửa tối đèn anh em đến
Gặp cơn hoạn nạn bà con tìm
(“Xóm nghèo” sao mà yêu thế)
Người đọc có thể nhìn thấy tấm lòng của một nhà thơ yêu đời, yêu người tha thiết. Đức Vượng càng đi xa, đi nhiều, ông lại càng mong được bắt gặp những tín hiệu dẫu chỉ như tơ trời mà có thể khơi gợi trong ông những cảm giác thân thuộc của quê hương.
Nhà thơ đi dự các trại hè Thiếu nhi, Thiếu niên, Thanh niên, Sinh viên Việt Nam, hân hoan chìm mình trong những khuôn mặt thế hệ Việt Nam mới tươi trẻ, đáng yêu, ông dặn dò
Chúc nhau buôn bán thuận hòa
Chúc nhau học giỏi để mà vươn lên
Chúc nhau chí hướng vững bền
Quyết không thể chịu như chim lạc đàn
(Em đi Đại hội Thanh niên)
Nhớ đất nước, xem chương trình truyền hình Việt Nam phát cho kiều bào ở kênh VTV4, được nhìn thấy hình ảnh quê hương, nghe những giọng nói, ngắm những hình dáng thân thương, ông cũng chừng được an ủi nhiều ghê lắm.
Tiếng của em trong trẻo
Giọng của em thanh thanh
Lời của em tình cảm
Làm xao xuyến lòng anh
Nhìn em thấy quê hương
Nơi ấy ấp tình thương
Ở bên này nhớ lắm
Sợi tơ vàng vấn vương
(Quê hương qua VTV4)
Lạ thay, một người trải đời như Đức Vượng là vậy, chỉ vì nỗi yêu quê mà cũng có lúc hỏi một câu ngơ ngác:
Sấm kêu cũng giống Việt Nam
Mưa rơi nước cũng thấm làn như quê
(Tại Praha nghe tiếng sấm nhớ quê nhà)
Và giọt tơ mỏng mảnh của đàn bầu thức dậy trong ông cả một trời thương nhớ
Những ngày xa cách quê hương
Tiếng đàn thức dậy tâm hồn Việt Nam
Đàn làm xao xuyến tâm can
Bồn chồn trong dạ miên man trong tình
(Tiếng đàn bầu rung giữa Praha)
Đã có lúc tôi định mượn đôi câu thơ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương (Cao Bá Quát) tả lòng người lữ thứ Đức Vượng. Thế nhưng có lẽ không cần nữa. Vì:
Trăng xa chẳng sáng được đường
Lửa xa chẳng ấm tình thương quê nhà
Để rồi
Lòng mang một nỗi cơ hàn
Nghĩ mình xa xứ như làn mưa rơi
(Ánh lửa vầng trăng nơi quê người)
Nhà triết học ở… quán bia
Rời địa hạt quê hương đau đáu tấc dạ của Đức Vượng, tôi đi thăm Praha. Chợt thoáng thấy bên một góc phố chiều có dáng hình một người Việt Nam quen thuộc. Ghé vào, giật mình nhận ra nhà Đại sứ, nhà thơ Đức Vượng đang tư lự ngắm hoàng hôn. Tôi lục tìm trong trí nhớ của mình hình ảnh người đàn ông hiền hậu lúc nào cũng thương nhớ quê nhà mà nào thấy. Trước mắt chỉ một triết gia đang trầm tư mặc tưởng. Người ngồi đó mà dường như lạnh lùng xa vắng. Có lẽ vì ý nghĩ của ông đã mượn cánh gió để lướt qua nhân tình thế thái cuộc đời.
Thơ triết lý chiếm một phần lớn trong tư duy sáng tác của Đức Vượng. Những suy ngẫm, chiêm nghiệm về thân phận, lòng người, sự vô thường của cuộc đời của ông cũng tương tự như mọi người. Cái khác biệt ở đây chính là phương thức biểu hiện khối trăn trở của ông rất cụ thể theo lối… sử học.
Triết gia Descartes có câu: “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại” (Je pense donc je suis).
Đọc tập thơ triết lý của ông, độc giả ắt có ý nghĩ Đức Vượng là một người đàn ông…cả nghĩ, thích suy nghĩ và mọi sự vật, sự việc diễn ra trước cái nhìn của ông đều được minh hoạ thêm bằng các dữ kiện lịch sử nhất định để có cớ nâng tầm thành một triết lý cụ thể nào đó.
Vì lý do công việc, Đức Vượng đã đặt chân đến hơn 60 quốc gia trên thế giới. Đên đâu, ông cũng tìm tòi đọc các sách về văn hóa, con người, các danh nhân của đất nước ấy. Phần phục vụ cho công việc, phần khác là để thỏa mãn sự ham hiểu biết của mình. Đi nhiều, đọc nhiều, học nhiều sàng khôn của nhân loại, Đức Vượng dành nhiều thời gian để suy ngẫm về những bậc minh triết ở đời.
Ông tìm hiểu đạo Phật và nghiên cứu Thích Ca Mâu Ni; tìm về với lý luận cơ bản Nho giáo và bình luận các giá trị xã hội do Khổng Tử đề ra; ông đọc Đạo đức kinh và nghĩ ngợi về Lão Tử; ông đọc sách của Hàn Phi Tử và luận bàn về đạo trị nước; ông đọc Sử ký Tư Mã Thiên để chiêm nghiệm về lịch sử và vai trò của người làm sử; ông tìm hiểu lối lãnh đạo của Gandhi và so sánh với thực tế.
Đức Vượng đọc Rouseau, Montesquieu, Hegen, Các Mác để củng cố lý luận của mình. Đọc Đường thi, Cung oán ngâm khúc, Lecmontop, Salomong, Hainơ; ông đến thăm Moza, ông nghĩ về Lã Bất Vi, …. để ngẫm nghĩ và tìm sự đồng cảm về thân phận và cuộc đời….
Tư duy của ông là sự dung hòa của hai nền văn hóa Đông – Tây của nhân loại. Tuy những bậc minh triết trên có nhiều tư tưởng khiến ông tâm đắc và cúi đầu ngưỡng mộ song độc giả vẫn có thể nhận ra ở ông một sự chua chát khi đi từ lý luận ra thực tiễn.
Nhân loại còn phải bổ sung bao học thuyết
Mà vẫn chưa giải thoát được cho con người hết khổ đau
(Thích Ca Mâu Ni)
Đức Vượng không ngần ngại đặt thẳng những câu hỏi với các bậc minh triết về những điểm chưa sáng tỏ trong lý luận.
Khổng Tử chia người làm hai loại
Loại “Quân tử” và loại “Tiểu nhân”
Vậy trên đời ai là quân tử?
Còn lại những ai là tiểu nhân?
(Khổng Tử)
Ông đối chất với Gandhi về đường lối lãnh đạo bằng “đạo đức và nhân tâm”
Chống trả với đời đầy bão giông
Gandhi có biết hỡi thưa Ông
Cái mà đạo đức Ông nuôi dưỡng
Vẫn là bi khúc của buồn thương
(Gandhi)
Ông hỏi Các Mác, “bậc triết gia sống trọn đời với tư tưởng giải phóng loài người khỏi khổ đau”
Ông mất đi, nhân loại năm châu
Bao phen tranh đấu vẫn khổ đau.
Đại đồng thế giới khi nào đến?
Còn lâu cuộc sống mới yên vui!
(Thăm mộ Các Mác ở Luân Đôn)
Vẫn biết đó chỉ là những “Câu hỏi lớn không lời đáp” vì các bậc vĩ đại đều không còn nữa nhưng ông vẫn muốn hỏi, hỏi như một cách đối chất với lòng mình, buộc mình phải tìm được câu trả lời hợp với cuộc đời nhất. Ông nghiệm ra rằng:
Thế giới bao phen đã đổi thay
Khuyên đời xin chớ có loay hoay
Rằng, theo Phật giáo hay Khổng giáo
Cái chính bây giờ cuộc sống nay
(Khổng Tử)
Và ông cũng khẳng định một điều:
Đạo làm người vô cùng tâm đắc
Với chữ “tâm”, chữ “tín”, chữ “tình”
(Chuyện ở quán bia Titanic)
Luận về chữ “Tâm”, Đức Vượng đã dành khá nhiều thời gian để suy ngẫm và đúc rút. Tôi có thấy ông chịu ảnh hưởng của Đạo Phật khi nói rằng:
Có tâm nhưng mà không có tướng
Tức thì tướng phát triển theo tâm
Có tướng nhưng mà không có tâm
Tướng rồi sẽ bị diệt bởi tâm
Và trên quan điểm của một nhà chính trị - lịch sử có cái nhìn trải rộng ngàn năm, ông cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột
Muốn trị bệnh phải trị từ gốc
Muốn trị người phải trị từ tâm
“Mưu phạt nhân tâm” là thượng sách
Nuôi dưỡng tâm thành tấm lòng nhân
(Tâm)
Vẫn biết cuộc sống nhiều điều đắng đót lắm nhưng may thay Đức Vượng đã học lấy cách của người xưa quay về giữ lấy chữ “TÂM” cho mình. Lấy “TÂM” làm gốc thì “việc hung hóa kiết” đấy thôi.
Cái “tôi” cô đơn ở cõi người
Ai muốn phác họa chân dung Đức Vượng qua thơ đều thấy hiện lên một nhân vật hằng cháy bỏng khát vọng muốn hiểu biết thế giới và con người. Nhưng càng đi nhiều, đọc nhiều, hiểu biết nhiều thì niềm cô đơn càng lớn, cái “tôi” nhỏ bé càng rợn ngợp mà ẩn sâu trong đó là chút ngậm ngùi của sự ngang tàng, ngạo nghễ bị khuất phục trước sức mạnh của số phận.
Quay lại lời ví von “Nhà triết gia cả nghĩ”, tôi càng khẳng định thêm ý ấy khi dấn thân tìm hiểu “nhân sinh quan” và cái “tôi” trong thơ Đức Vượng.
Người ta triết lý về cái “biết”, Đức Vượng lại triết lý về cái “không thể biết”
Cái biết như mớ bòng bong
Cái không thể biết thong dong hiện hình
Cái biết là cái “hữu tình”
Cái không thể biết “vô hình” xảy ra
(Triết lý về cái “không thể biết”)
Ông suy nghĩ cụ thể về “Tồn tại và không tồn tại” và liên tưởng đến Lòng đường – Lòng đời.
Có người cho rằng lòng đường và lòng người
Cả hai đều như thấy chơi vơi
Đi trên lòng đường như thấy lòng người
Soi vào lòng người lại thấy lòng đường
( Lòng đời và lòng đường)
Cũng chủ đề đó, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ngậm ngùi ảo hóa
Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ
Dưới chân trần cỏ xót xa đưa
(Cỏ xót xa đưa)
Trong khi Trịnh dùng ngôn ngữ trau chuốt để biểu đạt một cách dễ hiểu sự vô thường của cuộc đời thì Đức Vượng lại đi theo hướng ngược lại, dùng ngôn từ đơn giản ẩn dụ một ý tứ sâu xa mà không phải ai cũng có thể nghĩ đến tận cùng. Mạn phép ông, tôi có chút kiến giải của riêng mình.
Đường có thể ngắn, có thể dài nhưng nhất định luôn có một điểm khởi đầu. Và rồi, dẫu dài đến đâu chăng nữa thì cũng sẽ có một điểm kết thúc.
Lòng đường có thể rộng, cũng có thể hẹp. Có lúc ít người, dễ đi, cũng có lúc đông người, khó đi.
Hoặc cũng có khi ít người nhưng phương tiện kềnh càng nên hóa ra khó đi hơn khi đường tuy nhiều người mà ai ai cũng đi bộ một cách trật tự.
Dân gian Việt Nam có câu: “Chật bụng chứ chật chi nhà” cũng là một ý như vậy.
Suy ra, dài ngắn, rộng hẹp, đẹp xấu… cũng tại TÂM mình mà ra.
Người ta đi tìm cái “tôi” của mình, ông đưa cái “tôi” của ông ra săm soi, giễu cợt, chẩn bệnh
Cái “tôi” trong tôi nó rối bời
Quyền hành, bổng lộc lại ghế ngồi
Nhân danh này nọ mà phán xét
Số phận mọi người trong cái “tôi”
Và ông quyết định tự kê đơn, bốc thuốc chữa trị bệnh “vọng động” cho cái “tôi” của ông
Muốn cho cái “tôi” tách riêng tôi
Thì tôi phải biết cách tư duy
Nhận biết cái cảm tính, lý tính
Thành cái xử thế trong thực thi.
(Cái “tôi” trong tôi)
Thay vào tia nhìn khô cứng theo chuẩn tắc và toàn màu xám của luận lý, Đức Vượng mô tả hiện thực khách quan bằng một giọng thơ “trần thuật không bình luận”. Đây là đặc điểm đi ngược với chất nhạc tính và tái hiện cảm xúc của ngôn từ thi ca. Vì thế thơ triết lý của ông khá khó đọc vì không màu, không mùi, không vị. Tuy nhiên, điều mà tác giả gặt hái được chính là sự tái hiện khách quan xã hội, cuộc đời. Người đọc được tự do suy ngẫm theo các chiều hướng tư duy mà họ muốn cho đến khi nhà thơ đúc rút một ý niệm nào đó.
Sự thể hiện tuyệt vời trên được tạo ra từ thái độ điềm tĩnh của một nhà sử học. Nó đối ngược hoàn toàn với sự cuồng nhiệt, sẵn sàng đánh giá và kết luận theo cảm tính của những người làm thơ theo tư duy nghệ thuật thuần túy.
Thế nên, đọc thơ ông, người đọc không được la cà, đi ngang về tắt mà phải trực diện, chú tâm mới mong nắm bắt kịp luồng suy nghĩ về mọi sự vận động của thế giới.
Tôi cũng đặc biệt thú vị với các bài thơ đối xứng chủ đề của ông như: Luận về đàn ông – Luận về đàn bà, Người giàu – Người nghèo, Triết lý về con người – Triết lý về tình bạn – Triết lý về tình đời – Triết lý về cuộc đời, Triết lý về tình – Bàn về hạnh phúc, Cái mất – Cái được, Người phương Đông – Người phương Tây, Sống chết – Âm dương, Người cha – Người mẹ ….
Và nhiều những cặp phạm trù khác mà trong giới hạn nhỏ hẹp của bài viết này không thể nào liệt kê và đi sâu phân tích hơn được.
Tất cả là một khối logic, chặt chẽ, tương hỗ về mặt tư duy. Nó giúp ông không thiên lệch quan điểm về duy tâm hay duy vật, phương Đông hay phương Tây, lý luận cao siêu hay thực tiễn là minh triết…. Tất cả chỉ có sự thật, sự thật, và chỉ sự thật được hiển hiện. Sự thật là cái gốc của vấn đề, của sự tồn tại, và là nguyên lý vận hành của lịch sử.
Rốt lại, cái tinh thể lắng xuống sau mọi vẩn đục, xô bồ, hào nhoáng, bon chen… cuối cùng vẫn chỉ là một chữ “TÂM” – điều mà ông đau đáu đi tìm cả một cuộc đời mình.
Và tất cả rồi sẽ trôi đi, nhưng con người, dưới con mắt của Đức Vượng, mãi mãi là một sinh vật “không biết đường lên thiên đàng, và sợ con đường đi tới bãi tha ma” (Luận về con người).
Ngập ngừng trên chiếc cầu Tình
Cho đến giờ phút này thì mọi độc giả đều có thể mặc định trong đầu mình hình ảnh của thi nhân Đức Vượng là một người sẵn sàng dấn thân vào cuộc sống. Đồng hành cùng bước chân quả quyết khám phá của ông là bộ ba ý niệm: “TÂM – TÍN – TÌNH”. Một người rất lý tính nhưng cũng chan chứa tình yêu thương con người, quê hương.
Thế nhưng, có một góc khác rất riêng của thi nhân mà phải khéo lắm thì người ta mới nhìn thấy. Trái với sự hừng hực dấn thân để khám phá thế giới mà ta đã được biết, trong địa hạt tình yêu, độc giả lại phát hiện ra một Đức Vượng hay bẽn lẽn, e ngại, phân vân và đôi khi thiếu quả quyết nhưng cũng không kém phần rực lửa khi mở cửa trái tim cho Thần Tình yêu.
Một câu chuyện tình đã bắt đầu tại thành Praha hoa lệ, nơi ấy có một cây cầu Tình xinh đẹp mà mỗi khi ai bách bộ cũng đều khe khẽ nhón chân như sợ làm rơi mất áng chiều.
Một người đàn ông có vầng trán rộng, đôi mắt sáng ánh lên sự suy tư đang khoan thai từng bước lên nhịp cầu Tình. Như tiếng sét giữa trời quang, kẻ thi sĩ có trái tim dệt bởi tơ trời chợt:
Gặp em ở giữa cầu Tình
Praha mây trắng bồng bềnh trôi êm
Cầu Tình ai khéo đặt tên
Trên cầu có một nàng tiên giáng trần
Sau một hồi bày tỏ sự rung động mãnh liệt do “hậu quả” của tiếng sét ái tình gây ra, người đọc mong chờ thi nhân sẽ làm một việc gì đó cũng “mãnh liệt” tương tự để nắm lấy cơ hội được đến với tình yêu. Thế nhưng rốt cuộc nhà thơ chỉ dám bày tỏ chút tình …từ xa
Bao giờ em sẽ lấy chồng
Để cho anh tặng bông hồng tình yêu
(Chào em, cô gái Sec)
Khuôn mặt đăm đăm ngâm ngợi của vị triết gia cả nghĩ kia dường như đã quá bối rối khi đi trên chiếc cầu Tình bắc vào trái tim của mình mất rồi!!!
Và cũng có ai ngờ, người vươn những bước chân của gió đi khắp mọi vùng đất trên thế giới lại có lúc cô quạnh đến thế này:
Giường đôi nhưng lại độc thân
Gối đôi nhưng chỉ một mình mình thôi
Buồn thòng theo tiếng mưa rơi
Lòng thòng với một nụ cười nhăn nheo
(Đêm Plzen)
Ôi, cái chữ “thòng” sao mà dài dằng dặc và buồn nhăn nheo như một nụ cười muộn trong những đêm cô đơn không ngủ!
Vậy mà khi tình đến nồng nàn rực cháy
Tình em ngọt, đắng mặn mà
Em trao anh cả một tòa thiên nhiên
Thánh nhân cũng phải yếu mềm
Anh hùng cũng phải quy tiên về trời
(Đời em)
Thì nhà thơ lại ngồi suy nghĩ phân vân, cân lên đặt xuống muôn phần đắn đo:
Dặt dèo cảm thấy buồn tênh
Nghĩ mình rồi lại giật mình trong mơ
Đêm ngồi viết mấy vần thơ
Trời xe duyên muộn vật vờ hơn không!
(Duyên muộn)
Nhưng rồi, nhà thơ lại khẳng khái:
Xuân đâu cứ phải trăng rằm
Tình đâu cứ tuổi mười lăm mới là
(Đời em)
Rồi cũng đến lúc cây Tình đơm quả chăng, nhà thơ thật thà bày tỏ
Đôi ta đi giữa Praha
Vòng ôm khép lại chính là tình duyên
Hợp tan, tan hợp hàn huyên
Bể trầm luân với lời nguyền hiện sinh
Giữa trời điện sáng lung linh
Từ nay em nhé chúng mình bên nhau
(Gặp em giữa Thủ đô Praha)
Và đây, khi quả Tình đã chín mọng trên cây, nhà thơ say đắm đến quên cả đất trời
Hết ngày dài lại đến đêm thâu
Có đôi trai gái quấn bên nhau
Hà Thành ẩn hiện đèn mờ tỏ
Em nép vào anh dưới gốc cây
(Tình say)
Và đây nữa, người đàn ông khi yêu chân thành thật dịu dàng xiết bao. Phải yêu lắm, nhung nhớ lắm, bồi hồi lắm thì người đàn ông mới gọi tên người mình yêu đắm say như thế!
Đêm nay anh viết cho Lan
Với bầu nhiệt huyết với trang yêu tình
Nhớ ngày hai đứa chúng mình
Quấn nhau như bóng với hình lung linh
Cả đời anh đã đi tìm
Mà nay mới gặp người tình Tuyết Lan
(Thư gửi Tuyết Lan)
Nhà thơ Đức Vượng bày tỏ quan niệm về tình yêu thật ấm áp
Đời người con gái là hiến dâng
Còn người con trai là bế nâng
Phận người con gái là tổ ấm
Còn phận con trai là cảm thông
Khi yêu rồi, nhà thơ cũng đeo ống nghe lên tai, tay lăm lăm chỉ tơ bắt mạch chẩn các loại bệnh “mãn tình” đầy hóm hỉnh
Đứng xa tình yêu thấy mênh mông
Đứng gần tình yêu thấy trống không
Nhìn xa tình sẽ thành cận thị
Gần tình viễn thị bệnh đàn ông
(Tình yêu)
Là người nhiều năm đi tìm con đường đến bến bờ hạnh phúc, nhà thơ trân trọng đúc kết
Hạnh phúc đâu phải lời nói suông
Mà là hiện thực giữa đời thường
Là chất men say bao quyến rũ
Hấp dẫn vô cùng làn da thơm
(Bàn về hạnh phúc)
Tóm lại, theo quan điểm duy ý chí của nhà thơ, để có được hạnh phúc thì chúng ta cần nuôi dưỡng bằng hành động thực tế. Tôi trộm nghĩ, nếu thế gian làm được phần nào những đúc rút của ông, có thể lúc đó thế giới sẽ chỉ bước đi trên con đường trải hoa hồng!
Lời nhắn gửi
Như đã nhắc đến ở trên, 169 bài thơ là 169 khúc tâm tình. Mọi cung bậc cảm xúc của con người dường như đều được thể hiện với một giọng thơ điềm đạm. Đức Vượng sở trường nhất khi ký họa cảm xúc bằng thể thơ lục bát mượt mà. Ngôn ngữ thơ của ông không trau chuốt. Tứ thơ trải dài theo mạch nghĩ. Dẫu là lời thơ chan chứa tình yêu thương con người hay những khi trầm tư, thở dài trước những biến đổi của cuộc đời; dẫu sôi nổi ái tình hay lạnh lùng trần thuật triết lý thì ẩn sau mọi lớp vỏ ngôn từ mộc mạc ấy là một nụ cười hiền hậu, vị tha đối với cuộc sống. Chữ TÂM – TÍN – TÌNH lúc nào cũng tràn ngập trong suy nghĩ và trong lời thơ của Đức Vượng dù rằng lúc ẩn, lúc hiện như một điệp viên giấu mặt.
Nhà thơ Doãn Huy Kiểm, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Sec viết tặng Đức Vượng bài thơ ngày ông mãn nhiệm vụ về nước
Anh về có nhớ hay quên
Ân tình để lại nỗi niềm mang theo
Bao phen đứng mũi chịu sào
Sương sa tuyết đổ chống chèo long đong
Đắm say một cõi thơ lòng
Quá thương những mảnh đời không bến bờ
Anh về để lại “nàng thơ”
Bên “cầu Tình” cứ mãi chờ đợi anh
Có lẽ, bài thơ đã lột tả được đầy đủ chữ TÂM – TÍN – TÌNH của nhà thơ rồi đấy.
Vâng, với Đức Vượng, chắc chắn một điều rằng: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Biêlinxki)
Chỉ tiếc một điều, “duyên” Thơ đối với Đức Vượng sao giống “tiếng sét ái tình” với cô gái đẹp đứng một mình trên cầu Tình năm xưa mà ông gặp khi thả bộ ngắm chiều. Dẫu đã rúng động tâm can mà rồi ông cũng chỉ dừng lại ở cung bậc bộc bạch khối tình của mình bằng một đóa hồng trong tâm tưởng. Sao nhà thơ không bước đến nắm tay nàng thơ đẹp để đi tiếp mà khám phá cuộc sống và dâng tặng đời những đóa xuân ngời. Sao đã sớm vội tạm biệt “nàng thơ” quay về chung thủy suốt đời với sự nghiệp khoa học, để lại sau lưng bao nuối tiếc những người từng yêu thơ ông kia chứ?!
Hà Nội, 30/05/2010
0 nhận xét:
Đăng nhận xét