28/10/11

Hạnh phúc ở lại



(TĐVN) Ngày tháng 10 đương vào độ nồng nàn thu. Nắng thì dịu dàng, còn gió thật nhẹ nhàng. Trời đất lắng để lòng người bừng lên những trong trẻo nguyên sơ. Tháng 10 có ngày 20, ngày được xã hội dành riêng nhằm bày tỏ sự thương mến, trân trọng đến những người bà, người mẹ, người chị, người em, người vợ, người yêu.

Nhân cái cớ đáng yêu đó, Thi đàn Việt Nam xin được giới thiệu đến độc giả tác giả thơ Lưu Thị Phương Đông và chùm thơ của chị. Tiếng thơ của Phương Đông nữ tính và yêu mến cuộc đời bằng những quan điểm rất phụ nữ Việt Nam.

Nhà thơ Lưu Thị Phương Đông (tên thật là Lưu Thị Đồng) quê quán ở Hồng Phong, Vũ Thư, Thái Bình. Chị là một chuyên gia kinh tế, đang sống và làm việc tại Hà Nội. Phương Đông đã xuất bản 2 tập thơ: Nửa vầng trăng (NXB Hội Nhà văn, 2004) và Giữ lại hồn thu (NXB Hội Nhà văn, 2010)

Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả chùm thơ của chị: 

Nữ tác giả thơ Lưu Thị Phương Đông được Thi Đàn Việt Nam (www.tho.com.vn) mời tham dự Câu lạc bộ thơ chủ đề “Phụ nữ” do Thi đàn Việt Nam phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam sản xuất và phát trên sóng VTV1. Chị xuất hiện ở trường quay rạng rỡ trong bộ áo dài đỏ thắm cùng nụ cười tươi tắn xuyên thời gian. Phương Đông đã khiến cho các bạn thơ có mặt tại trường quay xúc động khi chị đọc bài thơ “Điều đơn giản” do chị sáng tác. Với Phương Đông, hạnh phúc bắt nguồn từ:
Điều bình thường như cây cỏ, dòng sông
Bởi đơn giản chúng tôi là phụ nữ!
Thế nên, tôi quyết định đi tìm công thức hạnh phúc từ “Điều đơn giản” của chị!

Đồng dao của mẹ

Là phụ nữ, ngoài các bổn phận mà xã hội phân công thì tạo hóa dành cho họ một thiên chức đặc biệt, đó là làm mẹ!
Vâng, người phụ nữ thể hiện tất cả những tính nữ của mình khi và chỉ khi nào họ làm mẹ. Từ lúc biết con đang hoài thai trong bụng mình, những rung cảm âu yếm, yêu thương, chở che xuất hiện và ngày càng mạnh mẽ hơn.
Đã được tiếp cận tác phẩm của nhiều cây bút nữ nhưng lần này tôi khá ngạc nhiên khi đọc những bài thơ Phương Đông viết cho con mình. Gọi thơ là đúng, nhưng nếu gọi thêm đó là lời ru, là vòng tay siết chặt bao bọc trọn đời những đứa con của mình bằng một tình thương dồi dào, kiên quyết và đặc trưng của người mẹ Việt Nam thì cũng không sai.
Tỷ mẩn, người đọc ngồi đếm các bài thơ viết cho con trai, con gái của chị. Số lượng khá nhiều, có thể in riêng một tập thơ. Ở các chủ đề khác, thơ Phương Đông trầm ngâm, suy tư. Riêng thơ viết cho con thì trong trẻo lạ! Xin tất cả hãy cùng Phương Đông lên chuyến tàu thơ để cảm nhận được hơi ấm tình thương người mẹ đậm đà trong những vần thơ cho con. Tình cảm chị dành cho các con trải dài theo những ngày con lớn dần lên.
Phương Đông là một người mẹ bôn ba. Số phận sắp đặt chị phải một mình nuôi hai con mọn trong khi chờ đợi người chồng đi học ở phương xa. Một mình vất vả lo toan trước cuộc đời sóng gió. Có khi sau một ngày trở về, bước chân mệt nhoài cô đơn. Vậy mà, bao nhiêu ưu tư chợt tan biến đi ngay khi người mẹ nhìn thấy con trẻ đang đứng chờ mình trước cửa với nụ cười rạng ngời thơ ngây.
Mỗi khi đi làm về
Đã thấy con đón cửa
Mặt cười tươi rạng rỡ
Miệng reo: “A, mẹ về!”


(Mẹ, con)

Với bài thơ “Đón con từ nhà trẻ”, người đọc tin rằng những bà mẹ khác sẽ đồng cảm nhiều lắm. Con bé bỏng thơ dại như thế, mẹ muốn ở bên con ấp ủ chăm sóc nhưng mẹ phải đi làm. Gửi con nhà trẻ có cô giáo chăm lo rồi mà khi trên đường đến trường đón con về, lòng mẹ biết bao suy nghĩ buồn vui, thương yêu lẫn lộn:
Giờ này con – giấc ngủ êm?
Hay là đang khóc ướt nhèm bờ mi?


(Đón con từ nhà trẻ)

Cụm từ “ướt nhèm bờ mi” đặt vào tứ thơ lục bát sao lay động quá. Không là từ láy mà rất tượng hình, tượng thanh. Người đọc ngay lập tức có thể hình dung ra hình ảnh một bé con đang đứng nép vào góc sân trường, đôi mắt ngóng ra đường đợi bóng dáng mẹ yêu. Chờ mẹ trong cảnh chiều tà chắc lòng nhiều sợ hãi và nước mắt cứ chảy đầm đìa không giấu diếm.
Nghĩ đến đó thì lòng người mẹ bỗng nhiên “bồn chồn nơi tim”.
Với con trai và con gái, chị dành cho mỗi con một sự cưng chiều khác nhau.
Với con trai, đó là nơi chị gửi gắm niềm hy vọng tương lai. Chị yêu con, gọi con là “giống” đầy tự hào và chiều chuộng.
Giống là của mẹ, của cha
Giống vàng, giống ngọc, tinh hoa ông bà
Giống hay gạ mẹ ăn quà
Giống thường ăn vạ, cả nhà thấy vui
Nhong nhong lưng mẹ giống ngồi
Mẹ cười cung sướng “giống còi, yêu ghê”


(Giống của mẹ)
“Giống” của mẹ lớn lên sẽ đỗ ông Nghè ông Trạng làm rạng danh tổ tiên. Nghĩ đến vậy thôi, nhà thơ đã thấy

Là niềm tin để mẹ quên nhọc nhằn.
Với con trai thì như vậy, còn với con gái, chị dành cho con sự chăm lo rất dịu dàng:
Bé cún con của mẹ
Ốm cứ nằm li bì
Giờ ăn con không dậy
Ho khục khoặc cả ngày


(Khi con hết ốm)
Hình ảnh “cún con” nằm sốt li bì, khiến người đọc cũng cảm nhận được sự thương con, lo lắng đến nghẹn ngào của người làm mẹ.
Và mẹ đâu quản sớm khuya chăm sóc để mong sao con khỏe mạnh

Sớm nay như mọi lần
Sờ trán con hết nóng
Con mỉm cười trong mộng
Mà mẹ vui muôn phần


(Khi con hết ốm)

Là trẻ con, có ai không thích được mẹ xoa lưng xoa bụng, sờ đầu sờ trán. Vì trẻ con luôn cần được yêu thương, quan tâm đấy thôi. Bật mí cho nhà thơ nhé, có thể “cún cưng” của nhà thơ không chỉ “mỉm cười trong mộng” đâu mà cún cưng đang cười thật đấy. Trong sự lơ mơ dễ chịu khi cơn sốt đi qua, bé nhận ra hơi ấm bàn tay mẹ đang đặt trên trán mình, khuôn mặt mẹ đang dịu hiền nhìn mình. Thế nên bé sung sướng và yên tâm chìm vào giấc ngủ đấy thôi. Trẻ con dễ thương và thông minh lắm, nhận biết được mọi thứ quanh mình đấy!
Khi đọc những bài thơ viết cho con của nữ tác giả Phương Đông, người đọc vui cùng nụ cười nhà thơ, buồn lo cùng những buồn vui cho con của nhà thơ. Thế là người đọc cũng trở thành một người mẹ.
Và cũng như Phương Đông, người đọc thấy vui vui khi lẩm nhẩm bài thơ “Con làm cô giáo” của chị. “Cô giáo” có học trò là hai em búp bê cơ đấy
Đã đến giờ tập vẽ
Hãy tô hoa màu hồng
Sao em tô màu dương
Sai rồi, cô phạt đứng
Cô giáo đang nghiêm nghị là vậy, đột nhiên:
Bỗng dưng cô cao hứng
Hát vang bài mèo con
Rửa mặt sao bẩn thế
Xấu quá, mẹ chẳng hôn
Thế rồi, sau khi nhắc nhở các học trò (hay tự nhắc chính mình?!) không được ở bẩn như mèo con kẻo mẹ giận không thơm lên má thì cô lại đã làm cho người đọc bất ngờ quá:
Một mình cô bận rộn
Mệt quá đi nằm thôi
Giấc mơ chợt đến rồi
Cô mìm cười gọi “mẹ”
Nhà thơ Phương Đông hẳn là người tinh tế trong quan sát. Bởi vì các hình ảnh thơ gần gũi song khá sống động. Những cái kết ngộ nghĩnh và bất ngờ như hình ảnh “cô giáo nhỏ” mỉm cười gọi mẹ trong giấc mơ làm người đọc cùng được chia phần hạnh phúc. Người đọc tin rằng, cứ mỗi lúc mệt mỏi vì cuộc sống, nhà thơ Phương Đông chỉ cần nhớ lại hình ảnh “cô giáo tí hon” mìm cười trong giấc mơ hoặc “giống còi” của chị đang nhong nhong trên lưng mẹ thì nhà thơ đủ sức vượt qua mọi khó khăn trở ngại trên cuộc đời này.
Những nét phác họa của Phương Đông để lại ấn tượng khá sâu sắc trong lòng người đọc về sự thơ ngây con trẻ. Phải yêu con lắm, hiểu con lắm, thuộc lòng trạng thái biểu cảm và tính nết mỗi đứa thì chị mới có thể ghi lại được những khoảnh khắc đáng yêu của con xuất thần đến vậy.
Nuôi con một mình khi chồng đi học xa, người vợ trẻ trong chị nén lòng chờ đợi chồng trở về. Còn với con trẻ, nỗi nhớ cha làm sao mà biết kìm chế. Day dứt trong lòng độc giả là hình ảnh người mẹ bồng con đi tìm bố khắp hang cùng ngõ hẻm
Mẹ bế con đi dưới ánh trăng tròn
Con mếu máo chỉ chỗ này, chỗ nọ
Với hy vọng đằng kia có bố
Mẹ nhanh lên kẻo bố đi rồi


(Đi tìm bố)
Nhưng, dưới ánh trăng vằng vặc đó chỉ có một người mẹ lẻ loi chở che cho đứa con còn quá nhỏ của mình:

Trời về khuya tay mẹ rã rời
Con mệt mỏi gục vào vai mẹ
Tiếng đã khàn vẫn ư ử không thôi
Đường ngoài kia đã vắng bóng người
Sao thưa thớt, ngọn gió lùa se lạnh
Để rồi:
Tiếng còi tàu đêm thâu lanh lảnh
Như nhân thêm nỗi nhớ khôn cùng
Không một từ “cô đơn”, không một lời oán thán. Chỉ có tiếng còi tàu – tín hiệu của những cuộc lữ hành vạn dặm xa xăm vọng về. Không biết là đời thực hay chỉ là tiếng còi tàu nhắc nhở trong thẳm sâu về sự thiếu vắng người chồng của mình, người cha của con. Tiếng còi tàu lanh lảnh dội vào đêm trả lời tiếng gọi bố khoắc khoải của con thơ làm se lòng thiếu phụ. Cảnh huống ấy có lẽ khiến lòng chị tràn lên sự thương xót cho con và cho thân phận của mình!
Không chỉ yêu thương, chăm lo cho con, nhà thơ còn sẵn sàng làm việc cùng con, học cùng con. Thật cảm động về tấm lòng người mẹ khi:
Nửa cuộc đời mẹ vẫn thức hằng đêm
Để chứng mình bài hình lớp bảy


(Học với con)
Với một người mẹ tận tụy như vậy thì kết quả học tập tốt của con có khác nào liều thuốc bổ dưỡng mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho mẹ:

Mỗi lần con được điểm mười
Lòng mẹ phơi phới như thời thanh xuân
….
Mẹ nhìn vóc dáng con yêu
Ngày cây đơm quả bao nhiêu đợi chờ


(Con được điểm 10)

Lẽ đời tuân theo luật nhân quả. Mẹ gieo hạt giống tốt, trồng trên đất lành là tình yêu thương của mẹ, lại được mẹ dày công chăm bón bắt sâu tỉa lá thì những đứa con sẽ mạnh mẽ bước chân vào đời bởi đã luôn có mẹ cạnh bên chở che, tin tưởng.
Đường rực rỡ ánh bình minh phía trước
Vững vàng lên con trong mỗi bước đi


(Học với con)
Làm mẹ là thiên chức cao quý và cũng khó khăn mà tạo hóa đã giao cho người phụ nữ. Mang nặng đẻ đau, rồi lo sao cho khi sinh nở “mẹ tròn con vuông”. Nhưng…

Tràn ngập niềm vui là lúc sinh con
Và sau đó là nỗi buồn bất tận
Và khi:
Con khôn lớn nỗi lo thành gấp bội
Đêm không ngủ nằm nghe cơn gió gọi


(Lo)

Biết bao nhiêu nỗi niềm tầng tầng lớp lớp phủ kín mà thành rong rêu đời mẹ, sương giá đời cha. Con lớn rồi, con bước vào đời cũng sẽ phải bước đi trên đường đời – đường tình bao chông gai cạm bẫy. Những mơ ước cuộc sống – tình yêu của con bây giờ là con đường ngày xưa mẹ đã trải qua. Đáng sợ đáng lo lắm (cho con)! Mẹ lo thì lo vậy thôi bởi vì mẹ không thể không lo cho con của mẹ. Nhưng mẹ vẫn biết rằng, mẹ lo cho con nhưng mẹ không thể thay con chọn lựa và bước đi trên con đường của con được. Vì vậy, con yêu ơi:
Đường vào tim như lên hái vì sao
Đầy nguy hiểm bởi bốn bề cạm bẫy
Để có được thì con ơi đừng ngại
Hãy đi tìm vì sao của riêng con…


(Vì sao của con)

Phải chăng đó là tiếng lòng của người mẹ giục giã đứa con yêu của mình hãy dũng cảm đối mặt với muôn vàn khó khăn nguy hiểm trong cuộc sống đời thường, là con đường tất yếu để hái được những hoa thơm quả ngọt của cuộc đời.
Người cha như cây cao bóng cả chở che cho gia đình lại đang ở quá xa. Nên chị đành một mình hoàn thành hai nhiệm vụ: vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha. Thế nên, chị lại thay chồng chở che cho những đứa con nhỏ bé của mình trước giông tố của cuộc đời:
Ừ, con ngủ cho ngoan
Nếu con ma kia đến
Mẹ tóm cổ nó liền
Làm thịt cho con chén …
Và để cho đứa con yên tâm rúc đầu vào lòng mẹ:
“ Con sướng cười khoái chí
Dim mắt vào giấc mơ “


(Đã có mẹ bắt ma)
Và sau tất cả những hy sinh, thương yêu lo cho con nên người, nhà thơ Phương Đông không quên dạy con mình phải sống thẳng thắn, đùm bọc, yêu thương, ân tình, nhân nghĩa::

Chị ngã em phải nâng
Luôn đùm bọc yêu thương
Khi em đói chị nhường
Buồn vui cùng chia sẻ
Và chị cũng nhắc nhủ các con rằng:
Chân thành với bạn bè
Lòng bao dung nhân ái
Không ích kỷ, tham lam
Không làm điều sai trái


(Nói với con)

Dặn dò con mọi lẽ, người mẹ chắp cho con thêm đôi cánh “Nhân – Lễ - Nghĩa” để bước chân con vào đời luôn mạnh mẽ. Có một người mẹ luôn cổ vũ động viên như vậy, những đứa con của chị nhẽ nào lại không hiểu, không thương mẹ để rồi báo hiếu cho sự tận tụy bao la của mẹ bằng sự thành đạt và hiếu thảo của mình cơ chứ?!
Trong suốt mảng chủ đề này, “con” không chỉ là đối tượng thương yêu. “Con” là tri âm, tri tình để nhà thơ bộc bạch nỗi niềm, là ánh sáng mặt trời sưởi ấm lòng người mẹ trong mùa đông giá rét, là niềm khát khao hy vọng của chị :
“ Con tỏa ngát hương say
Theo cuộc đời của mẹ”


(Mẹ - Con)

Chị thương kể cho con nghe câu chuyện của con bằng chính giọng điệu bi bô líu lo. Chị nói với con những lo toan lòng mẹ như nói với những người bạn đồng trang lứa. Thơ chị toát lên một niềm tin tưởng vào sự chia sẻ và thấu hiểu của con với mình rất vững chãi.
Sử dụng thuận tay Phương Đông nhất khi kể chuyện cho con nghe là thể thơ 5 chữ. Có đôi khi, chị bị rơi vào trạng thái suy tư, khi đó, thể lục bát được chị chọn lựa. Mỗi bài thơ là một tấm thiệp ngắn ngắn xinh xinh mà chị viết cho con bằng lối nghĩ của trẻ khiến cho thơ trong veo như làn nước mùa thu soi tận đáy hồ lòng mẹ. Thơ cho con mà Phương Đông viết là lời ca dao con cò bay lả bay la ấp iu con khôn lớn.
Chị làm thơ cho con, cho mình, lý do sáng tác chỉ để giãi bày tình cảm cá nhân nhưng tôi tin các bà mẹ khác khi đọc thơ chị đều sẽ thấy bóng dáng mình và con mình trong đó.
"Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi" (Lưu Trọng Lư). Tôi tạm gọi những tấm thiệp thơ xinh mà chị tỉ mẩn quan sát, viết vẽ những yêu thương của mình lên đó là “Đồng dao của mẹ”. Những bài đồng dao mà chị đã hát, kể cho con nghe trong những đêm thanh vắng một mình nuôi con, chờ chồng.
Nếu sau này, Phương Đông ra một tập thơ riêng chỉ in những bài thơ mà chị đã viết cho con, tôi sẽ là người đầu tiên xin mua tập thơ ấy. Bởi tôi đã thấy, qua những bài thơ chị viết, ký ức mãnh liệt về tuổi thơ của mình, sự hiền dịu của mẹ tôi và những người mẹ khác.
Nhà thơ Lưu Thị Phương Đông
Lời tình quê hương

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết: “Quê hương là chùm khế ngọt, cho ta trèo hái mỗi ngày”
Đối với Phương Đông, quê hương là nơi lưu giữ tâm hồn. Chị tâm sự: “Bút danh Phương Đông là một sự gợi nhớ đến quê hương Thái Bình”. Chị làm việc và sống ở Hà Nội, xét về vị trí địa lý thì Thái Bình ở hướng Đông. Phương Đông yêu mẹ, yêu con. Nơi nào mẹ ở, nơi đó mặt trời mọc sưởi ấm trái tim con người.
Không biết nhà thơ có chủ ý gì không chứ người đọc cảm rằng nhà thơ yêu đời và yêu cuộc sống quá. Một năm bốn mùa tuần tự qua đi. Người ta thường có thói yêu nhất mùa nào đấy và những mùa còn lại ít được để tâm. Còn với Phương Đông, mùa nào chị cũng tìm ra cớ để vui, để hạnh phúc.
Như khi Xuân về, trong cái rộn ràng của đất trời thì nhịp tim thơ dồn dập, lòng nhà thơ đắm say:
Mưa Xuân mờ trắng màu mây
Gió Xuân hây hẩy trên cây rộn ràng


(Xuân về)
Rồi khi hạ đến, nhà thơ lắng tai, lắng lòng cảm nhận:

Xanh rờn hàng sấu, hàng me
Tiếng ve nghiêng nửa trưa hè nắng oi.


(Hạ về)

Gió xuân hây hẩy thì dễ hiểu quá, nhưng tiếng ve sao lại “nghiêng nửa trưa hè” nhỉ? Phải chăng nhà thơ nhận thấy, trưa mùa hè ve sầu ca nồng nhiệt quá. Dàn hợp xướng đó như cô đặc lại, càng lúc càng nặng hơn và kéo bầu trời mùa hạ “xệ” xuống một chút. Hoặc cũng có thể vì nhà thơ rất thích tiếng ve nên đã nghiêng tai để được nghe kỹ hơn. Trong tư thế đó, quả là bầu trời mùa hè chao đi trong làn nắng oi ả.
Vào ngày thu trở lại, thu hao gầy như dáng đợi chờ của người thiếu phụ. Dẫu vậy, chị vẫn nhìn ra trong thu bóng dáng một tình yêu tha thiết không muốn chia lìa
Thu sớm phai tàn thương lá cây
Nhung nhớ mùa thu đã rụng đầy
Cánh hoa muộn màng bay theo gió
Ngập ngừng hương cuối phút chia tay


(Thu)

Và mùa đông lạnh giá đã quay trở lại. Mùa đông khắc nghiệt như những thử thách của cuộc đời. Thế nhưng, cái lạnh lùng của đất trời đâu thể ngăn trái tim run rẩy đón nhận bình minh ngày hạnh phúc đang đến:
Cây trơ cành còn lại chiếc lá bay
Tiếng rơi khẽ, như sợ người tỉnh mộng
Tiếng chim kêu, bỗng đất trời xao động
Thoáng vỡ òa, một ngày mới đang lên


(Đông)

Quê hương không chỉ là cảnh đẹp đất trời và bốn mùa luân chuyển. Trên bước đường lập nghiệp phương xa, quê hương là nơi muốn được trở về khắc khoải từng đêm, bởi nơi đó, tuổi thơ thật đẹp. Những mùi vị ấu thơ mà nhà thơ đã trải qua và hoài niệm là tài sản vô giá chẳng thể tìm lại được:
Chiều quê hương nồng đượm
Mùi hương bưởi, hương chanh
Gió vương vít trên cành
Ráng trời ngời sắc tím
Những đêm chơi trốn tìm
Trăng vàng như nắng hạ
Khóm tre xào xạc lá
Bóng cau vương trên thềm
Những năm tháng phải phiêu bạt kiếm ăn nơi quê người, chị luôn đau đáu trong lòng nỗi nhớ quê khôn nguôi, nhớ ánh trăng vàng, dòng sông, bóng cau, bụi chuối – những thứ thật giản đơn nhưng nó luôn đeo đẳng những người con xa xứ sở. Mỗi khi có dịp trở về quê mẹ chị lại đắm mình vào những dòng kỉ niệm mênh mông ấy:
… Hôm nay lúa trên đồng
Cũng vàng như thuở ấy
Tôi tìm ngày thơ dại
Trong trăng vàng mênh mông…

( Ngày ấy)
Quê hương là cha mẹ, nhưng rồi có một ngày khi trở về:

Dạ lan thơm nức vườn nhà
Sương rơi đẫm lá ngỡ là mưa xuân
Vườn xưa vắng bóng hai thân
Nhà nay hoang lạnh muôn phần xót xa


(Đêm cố hương)
Và nhà thơ xót xa thương nhớ người mẹ tảo tần:

Đời Mẹ nghèo với tháng năm dầu dãi
Với gió sương, chiu chắt, sẻn dè
Dành cho con bát cơm trắng đồng quê
Manh áo mới chứa chan tình mẫu tử!


(Nhớ mẹ)
Nhớ cha, chị nhớ đến những lời cha đã dạy mình năm xưa:

Con cố gắng
Thành một con người
Theo đúng nghĩa
Biết sẻ chia
Với phận thấp hèn
Không vì tiền
Mà quên tình nghĩa
Không vì lợi
Mà quên luân thường
Đảo điên đạo lý


(Lời cha dạy)

Trong chủ đề về quê hương, Phương Đông thiên nhiều về miêu tả cảnh vật, mượn cảnh nói tâm, mượn vật nhắc đến thân phận. Thủ pháp này trong thơ Phương Đông được sử dụng nhuần nhuyễn, khá phù hợp với tâm trạng người phụ nữ phải gánh vác gia đình. Tiêu biểu cho thể tài này là các bài thơ: Hoa lau, Hương ngô, Mùa hoa cau nở, Viếng cỏ may…. Hình ảnh những sự vật như hoa lau ẩn chứa trong đó sự chịu đựng và dám đối diện với cuộc đời đâu sợ gì mưa gió.
Dáng mảnh mai mềm yếu
Thắm mãi cùng nắng, mưa
Trong gió rừng muôn thưở
Có hương lau rì rào…

(Hoa lau)

Phương Đông cũng viết nhiều về cảnh đẹp những nơi chị có điều kiện đặt chân đến. Đó là địa đầu Tổ Quốc, các danh lam thắng cảnh đất nước Việt Nam và nước ngoài. Tới đâu chị cũng dùng đôi mắt tinh tường để lưu lại những khoảnh khắc đẹp, cảm xúc và sự chiêm nghiệm của mình. Thi thoảng, chị cũng buông bút được những tứ thơ độc đáo
Lang thang mây dạo lưng đồi
Chợt nghe như tiếng sương rơi khẽ khàng


(Đêm Tam Đảo)

“Tiếng sương rơi thì khẽ lắm!” - nhà thơ đã nói với tôi như vậy. Điều đó muốn nói rằng ý thức của nhà thơ đã lắng lại rồi, lắng nhiều rồi nên mới nghe được tiếng sương rơi đó chứ. Từ mây lang thang trở thành những giọt sương rơi, đó là một sự chuyển hóa thầm lặng và vô ưu nhất. May mắn thay nhà thơ đã nghe và cảm nhận được điều đó.
Tập thơ Nửa vầng trăng (xuất bản năm 2004) và tập thơ Giữ lại hồn thu (xuất bản năm 2010) in cách nhau một khoảng thời gian dài. Bút pháp thơ của Phương Đông ngày càng đi dần vào sự chiêm nghiệm. Bằng tấm tình yêu quê hương đất nước, đến nơi đâu chị cũng muốn được thể hiện sự tự hào về Tổ quốc tươi đẹp. Tuy vậy, phong cách viết của chị mang tính ổn định với xu hướng ngôn ngữ thơ gần gũi, tiết chế về mặt tình cảm, chắt lọc được những hình ảnh thơ gây rung động. Dễ nhớ, nhỏ nhẹ là cách thơ của Phương Đông. Rất hiếm hoi chúng ta mới nhìn thấy một Phương Đông nam tính hùng hồn ngợi ca đất nước non sông bằng giọng điệu của những nam nhi “đầu đội trời, chân đạp đất”.
Dưới chân anh mây trắng đón chào
Trên đầu anh trời xanh vô tận
Nghe thoảng tiếng lời cha ông dặn
Mỗi tấc đất này đã thấm máu người xưa
….
Máu trong tim như dâng trào lên mãi
Trước hồn thiêng sông núi muôn đời
Máy trên vai, chân lại đạp núi đồi
Lại bước tiếp dấu chân người đi trước

(Hồn sông núi)

Mắt thương nhìn đời


Là một người mẹ - nhà thơ Phương Đông trong trẻo, dịu dàng. Là một người con quê hương Thái Bình, chị yêu quê bằng một tình yêu thấm đẫm rạ rơm đồng nội. Ngoài hai tấm tình thương mến đó, người đọc còn nhìn thấy trong thơ một Phương Đông nhìn đời bằng đôi mắt trải nghiệm và thấu hiểu.
Đến Thượng Hải – một thành phố giàu có và hoa lệ của Trung Quốc, nhà thơ gặp một người hành khất nghèo khổ đang quỳ trên đường phố xin người đời bố thí chút tình thương để sống, lòng chị dấy lên niềm thương cảm nhân hậu chân thành:
Tôi cũng biếu ông một đồng tiền
Bằng tấm lòng người lữ khách phương Nam
Đang dạo gót cùng mùa đông trên phố
Mong trời cao đoái thương phận nhỏ
Để người người chung một ước mơ xanh…

(Người hành khất)

Bài thơ thực ra không gây được ấn tượng lắm bởi vì không nổi bật về ngôn từ cũng như cú pháp. Tuy nhiên, khi đọc lại lần hai, người đọc chợt nhận ra sự ý tứ của Phương Đông khi chị ngầm bày tỏ ba chủ thể cùng xuất hiện: Thượng Hải phồn hoa – Người ăn xin quỳ trên hè phố - Người lữ khách đang thong thả dạo gót cùng mùa Đông. Thượng Hải thì giàu có mà sao vẫn có người ăn xin?! Và trong khi người hành khất tội nghiệp đó đang run rẩy trong giá rét để chờ sự bố thí của người đời thì lại có một vị khách – là nhà thơ – đang nhàn tản thả bộ trên đường để thụ hưởng mùa đông Thượng Hải đẹp rạng ngời. Ba chủ thể khác biệt nhau đẩy sự thương tâm cho cảnh đời đói khổ của người hành khất lên một bậc cao hơn. Ta càng trân quý hành động nhỏ mà mang ý nghĩa lớn của nhà thơ trước phận người nhỏ bé ấy.
Cũng cùng một cảm xúc đó, khi Phương Đông đến chùa lễ Phật, chị kêu lên thảng thốt:
Nơi cửa Phật thâm nghiêm
Sao lắm ăn mày thế?
Run rẩy tấm thân già
Tím thâm làn da trẻ


(Ăn mày)
Thế rồi ngước lên tòa sen, chị tự hỏi:

Từ tòa sen cao ngất
Thản nhiên Phật mỉm cười
Trước mặt đầy hoa tươi
Quanh mình hương trầm ngát
Tay luôn lần tràng hạt
Phổ độ cứu chúng sinh!


(Ăn mày)

Vâng, nhìn những cảnh khổ đau của trần gian với nhiều phận hèn mọn không ai đoái thương, chị hoài nghi vào thuyết lý “phổ độ chúng sinh” của nhà Phật. Khi chị nhìn lên Phật ngự trên tòa sen cao ngất, nụ cười an lạc của đức Phật sao "vô cảm" đến vậy?! Đôi khi vì bối rối không thể tự lý giải được hết những trái ngang của cuộc sống, con người ta thường có xu hướng hoài nghi vào chân lý và cả các giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Bởi nếu Phật cứu được chúng sinh vậy sao vẫn còn nhiều ăn mày đến thế?!
Trong sự tự vấn và truy vấn cả triết lý của Phật, nhà thơ đang bày tỏ sự bất lực của chính mình, xã hội, và cả các thế lực siêu nhiên đang dường như cùng dửng dưng trước những cảnh khốn cùng mà không có phương án gì khả thi để giải quyết.
Chị cũng băn khoăn về giá trị của “vàng” và “thau” trong đời sống xã hội. Xưa kia, vàng – thau được sử dụng làm hệ giá trị đánh giá phẩm chất con người (trên nghĩa bóng). Người quân tử tự ví mình như vàng, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Thông thường, khi gặp chuyện bị hiểu nhầm, bất như ý, người ta thường tìm cách chứng minh mình không như vậy. Riêng nhà thơ Phương Đông không biện giải gì cả:
Vàng ròng phải ở với thau
Bị đem thử lửa, làm đau lòng vàng
Thôi thì đời lắm đa đoan
Vàng ta đành ngậm tiếng oan một thời
Mai ngày sóng lặng, gió vơi
Bình minh bừng sáng, đất trời phong quang


(Vàng và thau)

Độ mươi năm trở lại đây, không hiểu sao cụm từ “đồ nhà quê” được dùng rất nhiều khi người ta tỏ ý chê bai, dè bĩu những con người hoặc phẩm vật gì đó dân dã, giản dị. Người Việt Nam ta đều xuất phát từ nông thôn mà ra cả, sao lại nỡ quay lưng phủ nhận nơi chốn đã nuôi lớn mình. Là một người con quê lúa Thái Bình, tuy rời rơm rạ đồng chiều đã lâu nhưng Phương Đông luôn yêu thương, trân trọng tất cả các giá trị đã làm nên con người mình. Người đọc rất thú vị trước bài thơ “Gái quê” của chị. Đó là một sự nhắc nhở ngầm những ai luôn ưa thích chạy theo ảo vọng và giá trị hình thức bên ngoài
Này những trái cam tươi
Đây khoai vàng mật ngọt
Cơm thơm mùi gạo mới
Đượm giọt mồ hôi ai?
Vì thế nên chị nhắn nhủ rằng:
Từ quê lúa, quê khoai
Áo bạc màu chân đất
Xin đời đừng khe khắt
Bởi em là gái quê!


(Gái quê)

Nhà thơ Phương Đông hay quan sát, hay đặt câu hỏi và đánh giá vấn đề. Tuy nhiên, người đọc thấy mừng bởi vì ở chị sự thiên kiến và phán xét không nhiều. Ngay cả khi gặp những việc chướng tai gai mắt, cũng chỉ thấy chị ý nhị nêu lên vấn đề chứ không gay gắt.
Ví dụ như bài thơ “Đường Hà Nội”. Ai ở Thủ đô đều biết những khó chịu khi lưu thông trên đường phố lúc vào tầm và khi tan tầm:
Chẳng cần theo luật lệ
Ô tô dàn hàng ngang
Ỷ thế mình kềnh càng
Chiếm hết đường xe máy
Gà tức nhau tiếng gáy
Thì trèo lên vỉa hè
Hất mông người đi bộ
Kẻ yếu thật xấu số
(Đường Hà Nội)
Đấy, Phương Đông chỉ đặt lên một câu hỏi rằng: “Trong một xã hội mà kẻ yếu sẽ xấu số” thì xã hội đó và con người trong xã hội đó đi về đâu?!
Thế nên, đôi khi, Phương Đông thực hiện một cuộc chạy trốn cho tâm mình.
Tránh xa bụi bặm hàng ngày
Dòng sông ô nhiễm, hàng cây xô bồ
Rừng không có chả, nem, giò
Đói lòng ăn quả trám kho thấy bùi


(Lên rừng)

Thế nhưng, cuộc lánh đời này chỉ là sự tạm thời, như là dừng lại trạm xăng đổ đầy xăng vào bình rồi lái xe đi tiếp, nhà thơ lại tự nhủ:
Ngày mai tôi lại đi về
Với nơi bụi bặm, còi xe ồn ào


(Lên rừng)

Qua thơ, người đọc cảm nhận Phương Đông là một người phụ nữ dịu hiền nhưng cũng rất mực quyết liệt với cuộc đời. Những khi cần yêu thương và hiến tặng sẽ yêu thương, hiến tặng hết mình. Và ngược lại. Phương Đông yêu công việc của mình. Rồi khi chuyển công tác nhiều nơi và các vị trí công tác mới không giống với công việc chị được đào tạo và đã theo đuổi nó mười mấy năm, chị làm hẳn bài thơ “Tiễn đưa nghề” với tâm tư thật bùi ngùi, xúc động
Bao năm đèn sách thưở hàn vi
Thức suốt thâu đêm chẳng quản gì
Tưởng sẽ cả đời bên nhau mãi
Nào ngờ đứt gánh phải chia ly
Rồi chị lại tự an ủi chính mình:
Thôi đành dứt áo tình tri kỉ
Đau lòng người ở, kẻ ra đi
Bạc bẽo xoay vần tay Tạo hóa
Lẽ đời vốn vậy, tiếc mà chi?
Thật hiếm có người phụ nữ nào yêu nghề đến mức xem nghề là tri kỷ tri âm như chị. Thật khâm phục!
Vậy đó, điểm qua một số tác phẩm, người đọc càng lúc càng nhận ra cái “tâm” của chị thật sâu, rộng. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu. Dù hoàn cảnh có đẩy đưa thế nào thì Phương Đông vẫn luôn giữ cho mình một sự nhân hậu, bao dung và yêu lắm cuộc đời này.

Ước mơ hạnh phúc

Câu chuyện đi tìm công thức hạnh phúc xuất phát từ bài thơ “Điều giản dị” của nhà thơ Phương Đông đã đi được gần hết chặng đường. Chúng ta thấy nhà thơ hạnh phúc trong vai trò làm mẹ được chăm sóc những đứa con ngoan; hạnh phúc vì được quê hương và cuộc đời che đỡ dù rằng vẫn có đó bao nhiêu xây xước; nhà thơ cũng hạnh phúc khi được có điều kiện để sống hướng thiện và san sẻ những gì chị có đến những người thiếu may mắn hơn mình.
Nhưng chúng ta vẫn chưa thấy góc sâu kín nhất của tâm hồn một người phụ nữ, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy trái tim chị đập đằm thắm dịu dàng hay nồng nhiệt, say đắm ở góc yêu thương.
Có dịp nói chuyện cùng chị, người đọc hiểu được phần nào cuộc sống và tâm tư của chị. Nhưng, hãy đi vào thơ, ở đó, thơ sẽ mách cho chúng ta tất cả những bí mật trái tim của người phụ nữ này.
Không giống với hình ảnh người mẹ giang tay bảo vệ những đứa con thơ của mình, không quyết liệt như khi chị đứng thẳng đối diện với cuộc đời, người phụ nữ khi yêu trong thơ chị thật nhút nhát, e thẹn:
Những đêm dài trăn trở
Thức với cùng trăng mơ
Thức với cùng nỗi nhớ
Ấp ủ bao tháng ngày
Người con gái đó chỉ biết nhờ gió gửi tấm tình mình đến ai kia.
Lại tới mùa heo may
Lá vàng bay trong gió
Xin mang cùng nỗi nhớ
Tới bên người em yêu
Và cho tới khi lập gia đình, hạnh phúc còn chưa nếm trải hết đã phải chịu đựng nỗi nhớ chồng những ngày cách xa đằng đẳng. Tôi biết Phương Đông có một người bạn, đó là ánh trăng. Trăng tràn ngập trong những vần thơ cô đơn, buốt lạnh. Trăng che chắn, bảo bọc một trái tim hao gầy vì nhung nhớ. Trăng chia sẻ những tủi cực gian nan cuộc đời chị.
Khi con gái khóc đòi tìm bố, trăng rọi sáng cho mẹ con những ngỏ nhỏ
Mẹ bế con đi dưới ánh trăng tròn
Con mếu máo chỉ chỗ này chỗ nọ


(Đi tìm bố)
Con trẻ mếu máo đi tìm bố, còn nhà thơ cũng rưng rưng cô quạnh trong lòng, may mà có ánh trăng chia sẻ nỗi nhớ khôn cùng đó.

Hay như khi nhà thơ một mình suy nghĩ, thương nhớ chồng mà chẳng để ý đến trăng, hờ hững với trăng, thì trăng vẫn đứng đó, hiền hòa soi chiếu tâm tư, giúp chị viết trọn bài thơ
Trăng vàng lơ lửng ngoài kia
Vàng hơn nắng, để hàng tre xạc xào
Ngọt ngào hương cỏ xôn xao
Vài con đóm nhạt chìm vào ánh trăng
Trăng vàng nhưng chẳng có anh
Vo tròn nỗi nhớ, hóa thành câu thơ


(Tự cảnh)
Ngay cả trong mùa đông lạnh lẽo, trăng đang yếu ớt phần mình mà vẫn cứ cố sáng, cố tròn để an ủi người thiếu phụ cô đơn

Trăng mùa đông sáng đục
Gió mùa đông lạnh lùng
Sương mùa đông trắng bạc
Đêm mùa đông mông lung


(Đông lạnh)
Và khi chị đi công cán ở nước ngoài, trăng ở bên kia địa cầu cũng hiền hòa ngắm nhìn và mỉm cười với chị

Dù ở nơi nào trăng vẫn cứ vô tư
Vẫn thủy chung sau trước, hiền từ
Vẫn ảo huyền, lung linh, lộng lẫy
Vẫn thiêng liêng, huy hoàng là vậy
Muôn năm trăng trẻ mãi, không già


(Trăng xứ người)

Với Phương Đông, dường như tình yêu là một vì sao xa, mà đường đi đến đó nhiều chông gai lắm lắm
Đêm ngày em nhớ
Đi tìm ánh sao
Mênh mông vũ trụ
Biết tìm nơi đâu?


(Đi tìm ánh sao)
Và tình yêu, sao cứ mãi là tình xa xôi:

Tình ta ở đôi nơi
Đầy, vơi niềm thương nhớ
Dù núi sông cách trở
Bao năm em vẫn chờ


(Đợi chờ)
Yêu mà không được ở cạnh người mình yêu, vầng trăng khuyết còn một nửa:

Nửa vầng trăng ở nơi đâu
Còn đây một nửa – nơi đầu nhớ mong
Tiếng chim như xẻ cõi lòng
Hương đêm như thấm vào trong nỗi buồn


(Nửa vầng trăng)

Khi đã yêu, ai cũng trải qua những cung bậc thương nhớ, đợi chờ, hờn giận, say mê. Phương Đông cũng có đủ cảm xúc đó nhưng dường như chị phải nén lòng nhiều quá!
Giờ này, anh nơi đâu?
Khi nắng chiều gay gắt
Mây trắng trôi lững lờ!
Giờ này, anh nơi đâu?
Khi hoàng hôn buông xuống
Con thơ ra cửa chờ!


(Nhớ)

Nhưng sau bao nhớ thương, đợi chờ, khi được ở cạnh nhau, thì vầng trăng tình yêu đã có chút hao khuyết theo những tháng năm dài xa cách. Dường như, từng có lúc nhà thơ dự định:
Bến đã chẳng hiểu thuyền
Thì đành chia tay vậy
Bởi kiếp xưa chưa hẹn
Để nay thành vô duyên


(Bến và thuyền)

Thâm tâm dự định là vậy mà sao trong nhau còn đó những tiếc nuối khôn nguôi
Thời gian điểm bạc mái đầu
Thuyền sai bến đậu, biết đâu mà tìm
Người thì như thể cánh chim
Còn tôi thì với trái tim đau này
Ước gì trở lại những ngày
Để tôi dâng trái yêu này cho ai…


(Tiếc nuối)
Cuộc sống có bao giờ đứng yên, có bao giờ là mãi mãi một điều gì đó. Khi trái tim còn khao khát yêu thương thì tình yêu vẫn còn sống khỏe mạnh ở cái nơi mà mình giấu diếm đó thôi. Ngày nào đó, khi con tạo xoay vần, bỗng dưng "gương vỡ lại lành", tình yêu lại đến trổ cành đơm hoa:

Tình yêu cuối đã quá thời son trẻ
Mà vẫn ngọt ngào, vẫn kỳ kiệu xiết bao
Vẫn nhớ mong da diết hệt thưở nào
Trái tim chết đã hồi sinh trở lại


(Tình muộn)

Hạnh phúc sẽ đến với những ai biết chờ đợi và luôn nuôi dưỡng trong tim mình một niềm tin vào ngày mai tươi sáng bởi những yêu thương góp nhặt mỗi ngày. Một người phụ nữ hiền dịu, nồng ấm, bao dung tất nhiên sẽ hạnh phúc, phải không các bạn?!
Lời kết:
Nhà thơ Sóng Hồng đã viết: “Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”.
Phương Đông làm thơ như vậy đó. Thơ chị không trau chuốt, không sâu xa, không cầu kỳ cấu tứ. Thơ là hơi thở, là suy nghĩ, là tâm tư, mà như Nhêcơraxop nói “Trong tâm hồn con người đều có cái van mà chỉ có thơ ca mới mở được.”
Thật may mắn trong những tháng năm tuổi trẻ vật lộn với cuộc sống, chị có thơ làm bầu bạn. Người đọc nghĩ, những mong ước hạnh phúc của chị thật hiền dịu, đơn giản. Hạnh phúc đâu phải hái những vì sao làm quà tặng nhau mà chính là cho nhau những nụ cười, ánh mắt yêu thương và sự san sẻ cùng nhau đoạn đời gian khó, và đôi khi là chấp nhận nhau ở mọi điều hay và chưa hay lắm. Và nghiệm rằng, những sự tinh tế nhất trên đời, gây rung cảm nhất trái tim loài người cũng đều đến từ những điều giản dị. Tôi thích bài thơ “Điều đơn giản” của chị, xin được trích đoạn mượn làm lời kết cho cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc gửi đến những người đàn ông Việt Nam được hiểu tâm tư của giới nữ chúng tôi. Và xin chúc cho tất cả chị em phụ nữ đều được hưởng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc đích thực vun vén từ khát vọng của bản thân mình và sự chung tay xây đắp của những người thân yêu xung quanh.
Chúng tôi chỉ ước những điều đơn giản
Một gia đình với những đứa con ngoan
Là hạt lúa, nương ngô với những mùa vàng
Là những vườn cây mọng hồng trái chín
Cánh chim chao nghiêng trong hoàng hôn tím
Là ánh trăng vàng trải khắp quê hương
Trong tình người nhân ái, thân thương
Trong bao dung, vẹn toàn, độ lượng
Trong nhọc nhằn, chắt chiu khuya sớm
Vẫn thủy chung nghĩa vợ, tình chồng

***


Hạ Vũ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes