28/10/11

Thúy Lan, một hình ảnh hiện đại



Tôi đọc truyện thơ Thúy Lan của nhà thơ Lê Hữu Bình từ những ngày cuối năm bộn bề tất tả kéo dài ra đến hết tháng giêng. Vì không có thời gian nên đã đọc rất lâu. Mỗi lần một ít, vừa đọc vừa suy ngẫm. Cho đến khi kết nối những cảm nhận, bỗng từ sâu thẳm tràn lên một thứ tình êm ái, biết ơn tuy rằng đây đó vẫn còn một số vấn đề cần giải tỏa. Qua cuộc đời nhân vật Thúy Lan, nhà thơ đã ý nhị lồng vào đó sự thấu cảm và bao dung cho những khắc khoải danh - phận – bản ngã của người phụ nữ hiện đại.

Cuộc sống ngày càng hối hả với nhiều hơn những gánh nặng lo toan, trách nhiệm. Đi đến đâu cũng thấy thiên hạ giương cao ngọn cờ sống nhanh, năng động, hiệu quả. Giờ đây, người phụ nữ không những luôn phải duy trì ngọn lửa phẩm chất “công, dung, ngôn, hạnh” theo tư duy mới mà còn cần thấu hiểu lẽ “tam tòng” phù hợp với vai trò xã hội thì mới có thể đảm đương được sứ mệnh mà tạo hóa giao phó. 

Mấy trăm năm nay, người Việt Nam ta vẫn tự hào về một nàng Thúy Kiều tài sắc lẫy lừng
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước, nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Tuy cuộc đời chìm nổi nhưng Kiều đã sống bằng phẩm chất của đóa sen hồng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Trong sự sắp đặt của số phận và định kiến xã hội vẫn muốn vượt lên bằng chữ “Tâm” không đổi.

Còn Thúy Lan, người phụ nữ Việt Nam hiện đại, nàng đã đối diện cuộc đời với tâm thế như thế nào?

Bền bỉ tình thơ

Nhà thơ Lê Hữu Bình, tác giả truyện thơ Thúy Lan, vốn là một người lính. 30 năm quân ngũ trải bao cảnh huống sinh tử lúc chiến tranh, hay khi chịu va đập bởi những cơn sóng gió của cuộc đời và lòng người. Trải nghiệm đó cô gọn lại trong hành động và con người Thúy Lan – nhân vật mà nhà thơ thai nghén suốt quãng đời trước.

Lê Hữu Bình quê ở Hoàng Học, Đông Hoàng, Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông viết Thúy Lan trong ròng rã ba năm. Sau ba lần chỉnh sửa bản thảo, rồi gửi cho các đồng đội, bạn hữu xem, nhận được nhiều ủng hộ, Hữu Bình đã xuất bản tập truyện thơ bằng sự “dũng cảm” của một người lính. Bởi như ông tâm sự: “Tuy rằng thời niên thiếu là một người học văn giỏi, nhưng số phận an bài theo con đường binh nghiệp, chỉ biết cầm súng bảo vệ đất nước khi chiến tranh cũng như thời bình. Có làm thơ thì cất kỹ, chưa từng nghĩ cho ai đó đọc chứ đừng nói đến việc xuất bản hẳn một truyện thơ dài hơn 4000 câu như thế”.

Duyên do tác phẩm cũng khởi sự từ một mơ ước tuổi trẻ. Học truyện Kiều, Hữu Bình khâm phục Nguyễn Du và ngưỡng mộ Thúy Kiều về tài lẫn sắc. Nhưng vì Kiều dù đẹp, dù tài, dù lòng nhân ái bao la thì Kiều vẫn là một nhân vật có xuất xứ từ Trung Quốc. Lòng yêu nước nên ước mơ sẽ viết nên một tác phẩm về một phụ nữ đích thực, sống và hành động bằng cái “tâm” của người Việt Nam thuần hậu. Tên “Thúy Lan” là ký ức đẹp của người lính trẻ Lê Hữu Bình năm xưa từng hành quân qua biết bao cánh rừng nguyên sinh ngạt ngào hương trong những mùa phong lan nở. Để từ đó, khảm khắc trong lòng người lính ấn tượng sâu đậm về loài hoa đài các, tuyết lệ thanh tao mà cũng vô cùng quyết liệt sinh tồn.

Truyện thơ Thúy Lan là bức tranh xã hội đa dạng với nhiều mảng sáng, tối đối lập chan chát. Nhà thơ chọn thể Lục bát uyển chuyển, dễ đọc, dễ thuộc làm phương thức biểu đạt. 

Nhà văn M. Gorki từng nói: “Người sáng tác là nhà văn người tạo nên số phận cho tác phẩm là độc giả”. Giá trị của truyện thơ Thúy Lan là thuộc về xã hội và độc giả. Còn trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ phân tích tác phẩm trên một số bình diện khoa học nhằm đánh giá các giá trị nhân văn mà tác giả gửi gắm đến người đọc.

Đi tắt cuộc đời nhân vật

Thúy Lan, không tránh khỏi mô týp nhân vật văn học kinh điển, vốn là một người con gái tài sắc, xuất thân danh giá.
Thúy Lan cô gái Hà thành
Đẹp xinh đến mức “chiến tranh” vì nàng
Bút nào tả nổi dọc ngang
Văn nào lách được những đường nét hoa
Khi xưa Kiều đẹp rõ là
Người ngưỡng mộ, bướm ong sa chực chờ
Kiều xinh cây cỏ đẫn đờ
Thúy Lan đẹp đến ngẩn ngơ đất trời..
Tỷ như sắc đẹp điểm mười
Thúy Lan chắc hẳn gấp đôi mức này
Tuy tác giả chưa “điểm nhãn” được cho vẻ đẹp của Thúy Lan, nhưng người đọc đã phần nào hình dung ra vẻ “nhất tiếu khuynh thành, tái tiếu khuynh quốc” của nàng. Đâu chỉ đẹp người, Thúy Lan còn có giọng nói ngọt ngào, thông minh, tính cách thơm thảo của người con gái “sắc hương”.

Lớn lên, Lan học đại học ngành Xây dựng vốn dành cho phái mạnh. Vì nhan sắc yêu kiều nên bao người theo đuổi. Lan bỏ mặc những săn đón, bảo bọc người bạn đồng môn là Oanh cùng vượt khó khăn để học giỏi. Mọi việc cứ thế êm đềm trôi đi cho đến khi Lan biết hung tin mình bị bệnh nan y, tuổi thanh tân phải sớm tàn hương, lụi nhụy. Trước việc sinh tử, Lan quyết cứu mạng sống mình bằng việc chấp nhận cuộc lương duyên bất như ý. Ra đời, Lan mở doanh nghiệp, cùng Oanh chống chọi với sự khắc nghiệt của thương trường. Ẩn trong sự thành công của Lan là biết bao sự đời chìm nổi. Khi thành, lúc bại. Sắc – Tài – Tình – Ân – Oán chồng chất lên nhau tạo nên một cuộc đời vừa điển hình, vừa khó phán xét về nhiều mặt.

Điều đáng quý nhất của tác phẩm chính là sự yêu thương, bảo bọc cuộc đời Thúy Lan của tác giả. Dù cho nàng có quyết định như thế nào, lúc được, lúc mất, lúc tốt, lúc chân thành, có khi ngây thơ, lắm lần toan tính, lẫn lộn ái tình – bản năng và quan niệm đạo đức xã hội chăng nữa thì tác giả vẫn yêu thương nàng, vẫn che chở cho nàng bằng những phép màu của câu chuyện cổ tích thời hiện đại. 

Tả xông hữu đột với trường đời

Plaute nói: “Ph n đp thưng chu nhiu tai ha”

Nếu như Kiều thùy mị, nết na, sắc tài vượt trội đến nỗi “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” để rồi cuộc đời long đong, dâu bể thì Thúy Lan của chúng ta lại có tính cách quyết liệt.  Thúy Kiều vì cha mà trôi dạt lê lết dưới đáy xã hội thì Thúy Lan bắt đầu đời sóng gió từ việc cứu lấy chính mình, và nhan sắc là quyền lực tối thượng thúc đẩy Thúy Lan đạt được mọi mục đích, tại vị trên những đỉnh cao của xã hội.

Theo dõi suốt chiều dài truyện thơ, người đọc ít thấy sự can thiệp hoặc góp phần cho các quyết định của Lan từ gia tộc, cha mẹ, chồng con và những người đàn ông nào đó từng xuất hiện trong cuộc đời nàng. Họ chỉ thấp thoáng làm nền cho sự táo bạo và cương nghị của Thúy Lan. Như vậy có thể thấy, Lan là một cá thể độc lập và chủ động.
Trường đại học, tuổi thư sinh
Lan càng rực rõ, bình minh càng nồng
Chặn đường rượt lối bướm ong
Bước chân gấp gáp theo từng hướng đi
Mặc cho xe máy bám lỳ
Xe hơi cũng kệ, lắm khi bực mình…

Đức tính này thực quý giá và đáng học hỏi biết bao. Bởi lẽ, ở cái tuổi son trẻ ngây thơ, những cám dỗ ngọt ngào đã khiến bao nữ sinh dễ dàng thoái thác ý chí học tập mà lao theo sự hào nhoáng, để rồi trượt chân sa ngã chốn thị thành. Người con gái đẹp mà lòng gan dạ thép như vậy hẳn tiềm ẩn trong mình ý chí phi thường.

Cuộc đời bươn chải của Thúy Lan bắt đầu từ khi chấp nhận lấy một người chồng tài hèn sức mọn để báo ơn. Việc đại hệ trọng đời người mà Thúy Lan:
Giấu cha mẹ chẳng bàn dài
Riêng Kim Oanh phải chia vui với mình
Khỏi bệnh một lần tái sinh
Làm con dâu cụ, cũng đành đành thôi

Cuộc hôn nhân không tình yêu, không “môn đăng hộ đối” giữa mỹ nữ “chim sa cá lặn” cùng anh chàng “cớm nắng xanh xao”, nếu không nói đó là bi kịch “tâm sinh lý” thì cũng là một sự “chủ động” chấp nhận số phận. Nhà thơ đã miêu tả rất khéo léo cái bất hạnh của người vợ tương lai ngay trong đêm tân hôn
Tân hôn lần lữa, lữa lần
Hoa đà mở cánh nhộng trần nhụy ra
Hải run hồi hộp nằm xa
Thở như thở trộm suýt va tay nàng
Ngọc vàng tắm bể ánh trăng
Lan đẹp đến mức Hải không dám nhìn
Động phòng, những phút đầu tiên
Thế rồi cũng… đến, giữa tiên với đần

Bên một người chồng yếu đuối từ thể chất cho đến tinh thần như Hải, Thúy Lan buộc phải gánh vác để lo toan cho gia đình, tương lai. Thương trường là nơi không dành cho kẻ yếu tim. Lan tuy không yếu tim nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Từ đây, ân oán Tình – Tiền bắt đầu xô tới. Sự thành công trong sự nghiệp của Thúy Lan, ngoài nhìn xa trông rộng và tài cán của nàng còn hàm chứa trong đó sức mạnh của sự toan tính và sắc đẹp mê hoặc.

Lan chủ động tìm đến Gâm Lang mong chờ sự trợ giúp khi việc kinh doanh thập tử nhất sinh. Một cuộc đổi chác đôi bên cùng có lợi đã diễn ra.
Anh yêu em lắm Thúy Lan
Nào anh đã ký cho em đâu nào
Ngực Gâm, Lan đẩy tay vào
Mận chao cành khép, thân đào rung đưa
Phi vụ hợp tác Tình – Tiền với Gâm Lang đem đến cho Thúy Lan những món lợi to lớn khiến chẳng bao lâu đã giúp nàng lật ngược thế cờ. Hoa Mai không những không lụn bại mà còn bước lên đài cao thành đạt nổi tiếng khắp nơi.
Nguồn giá rẻ bán lại cao
Lợi nhuận ào ào như nước mùa mưa
Nhận tiền chuyển khoản sáng trưa
Hoa Mai lột xác, lộ tòa Hoa Mai
Lan vui sung sướng, thở dài:
Hóa ra hai chữ sắc tài là đây
Ô, nhà thơ dường như đang đưa ra một định nghĩa mới về sắc tài cho phụ nữ hiện đại chăng?
Vốn dĩ cuộc đời thường thay đổi. Bởi Gâm Lang hữu dũng vô mưu, lộ tâm bội bạc đê hèn vì nhan sắc nên cũng gặp tai ương đến phải vào tù. Ngay khi nhận thấy mối nguy hiểm, Lan đã tính cho mình đường rút an toàn và có lợi nhất có thể. Ngoài việc đầu tư mua Thung lũng Nai để xây dựng khu sinh thái phục vụ du lịch, Lan tìm cơ hội tiếp cận Tổng giám đốc Tổng công ty Vật liệu Xây dựng bộ VX Trần Phi Hổ. Anh hùng Trần Phi Hổ làm sao có thể thoát khỏi sự quyến rũ đầy chủ đích của nhan sắc. Một bước lên mây, Phi Hổ đưa Lan về Tổng công ty và đặt nàng vào một vị trí cao trước cả khi đánh giá được thực lực của người đẹp.
Chớ nên dằn vặt Lan “yêu”
Lỡ làm vậy, bắt đền nhiều đó nghe
Gọn đi, mọi việc mọi bề
Tháng sau quyết định, Lan về trên đây
Giám đốc CT- 1 này
Trung tâm trọng điểm, cao cây lớn cành
Sau thành công rực rỡ Danh – Tình tại Công ty CT-1, nhân duyên sắp đặt cho Lan cơ hội gặp gỡ Bộ trưởng Trường. Người đọc lại thấy một Thúy Lan khéo léo tiếp cận cả đại gia đình Bộ trưởng. Những lần xuất hiện của Lan đều “rất có giá trị” khiến độc giả tự hỏi: “Là Lan quý mến chăm sóc gia đình Bộ trưởng thật lòng hay chỉ là những thế cờ đã được Lan đầu tư bài bản, đúng, đủ, không thừa không thiếu, hòng đạt được kế hoạch đi từ tình cảm gia đình thẳng tiến lên Bộ?”. Cố nhiên, ta không thể phủ nhận một phần những thành công của Thúy Lan trong thời gian điều hành tại công ty CT-1 cũng là nhân tố quan trọng trong việc chọn người tài của Bộ trưởng. Tuy nhiên, đây hẳn phải là con đường ngắn, tiết kiệm và “trời cho” nhất.
 Cháu Lan, ông biết muốn về
Việc công tại Bộ, ông hề đâu ngăn
Gợi thêm ý chỉ văn phòng
Nhắc Vụ tổ chức làm công văn liền
Xin kèm điều động Thúy Lan
Về làm Phó chánh Văn phòng cấp trên
Gót son thuận bước tiếp lên
Rồng thiêng lại được vẫy rền bể khơi
Từ nơi này, những tưởng sẽ là chốn dung thân yên ả cho Thúy Lan dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Trường thì hóa ra lại là hang hùm nọc rắn, suýt chút nữa thì tiêu hủy cuộc đời người đàn bà đa đoan và tài sắc Thúy Lan bằng bản án tử hình tội tham nhũng. Không biết trời xanh có mắt hay vì những người đại diện luật pháp thi hành bản án cảm thương cho người đàn bà đẹp đẽ, tài ba và có tấm lòng rộng rãi, nhân ái mà không một phát đạn nào trúng vào người Lan. Trong phút chốc từ nơi họng súng pháp trường Lan trở thành vô tội, phải chăng là câu chuyện cổ tích thời hiện đại?

Truyện thơ kết thúc có hậu theo phong cách “Người tốt được đền bù, kẻ ác đền tội”. Thoát khỏi bản án của pháp luật nhờ một việc hy hữu, Thúy Lan đường đường chính chính quay lại nhận nhiệm vụ Chánh Văn phòng Bộ thay cho Trí Thâm ngu dốt mà tham lam, hiểm ác; Kim Ngân xấu người xấu nết và lòng đầy tà tâm.

 Hai vợ chồng nhà thơ Lê Hữu Bình

Thúy Lan, chị là ai?

Gấp tập thơ lại, người đọc bật lên câu hỏi: “Rốt cuộc, Thúy Lan là người như thế nào?”. Bởi ẩn sâu trong cuộc đời Thúy Lan là những mâu thuẫn mà muốn giải nghĩa cần dò đến tận “ngọn nguồn lạch sông” như: tốt – xấu, chung thủy – thiếu chung thủy, sự nghiệp – gia đình, mưu toan – khôn khéo, chân thành – sắp đặt, phẩm hạnh truyền thống – khát vọng bản năng, tài năng – nhan sắc – sự may mắn,…

Để đánh giá một con người cần căn cứ vào sự hoàn thành vai trò của họ, hay còn gọi là sự thực hành chữ “Tâm” trên các bình diện: gia đình – sự nghiệp – đối nhân xử thế - con người cá nhân.

Xét chữ Tâm từ khía cạnh gia đình, xét chữ “lý” trên quan điểm đạo đức truyền thống, Thúy Lan là một người nội trợ không chu toàn, phó mặc mọi sự cho người giúp việc; một người mẹ không có thời gian chăm lo cho con bởi vì còn mãi bận bịu với công việc và các chuyến công tác dài ngày; một người vợ thiếu chung thủy khi mà hết lần này đến lần khác phản bội chồng mình dù chỉ là do hoàn cảnh xô đẩy và sự thỏa hiệp với các ham muốn bản thân, nghĩ mình xứng đáng được đền bù sau tất cả những thiệt thòi. Ngoài ra, Thúy Lan còn là một kẻ thứ ba vô cảm khi mặc nhiên tận hưởng lạc thú cuộc đời và các lợi ích vật chất, danh vọng do người tình mang đến mà không một lần nghĩ đến những người vợ bất hạnh, hoàn cảnh gia đình tan nát, thống khổ của họ. Vậy chữ “Tâm” ở đây có lẽ cần xem xét lại! 

Thế nhưng, “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Tận sâu thẳm, Thúy Lan là người đàn bà bất hạnh khi để cứu mạng mình mà phải chấp nhận sống với người chồng yếu đuối, an phận, mờ nhạt và không tình yêu. Hải không thể mang lại cho Lan điều gì kể từ niềm hạnh phúc riêng tư của người làm vợ đến sự nương tựa, nâng đỡ cho cuộc đời liễu yếu đào tơ. Một khi đàn bà phải đóng vai trò của người đàn ông, họ chấp nhận những xô bồ của cuộc đời để giữ cho mình mái ấm. Lan không yêu Hải, và một người đàn bà đẹp, giỏi tính toán như Lan thì quá nhiều cơ hội thay đổi cho một cuộc sống hạnh phúc và được bảo bọc từ người Thúy Lan yêu thương. Thế nhưng, Lan vẫn giữ cho mình trọn vẹn lời hứa trả “Ân”. Đây là điểm sáng để người đọc có thể thấu hiểu, đồng cảm cho những mâu thuẫn, dằn vặt nội tâm của Thúy Lan trên trường đời.

Về sự nghiệp, Thúy Lan là người phụ nữ giỏi giang, nhìn xa trông rộng. Cuộc đời Lan có hai lần thất bại. Lần thứ nhất chính là khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm kinh doanh, lần thứ hai là do không lường hết được những uẩn khúc lòng người. Lần thứ nhất thoát nạn bởi Lan chấp nhận đánh đổi thể xác cho Tổng giám đốc Gâm Lang. Lần hai, có lẽ là do cái “Qủa” nhân đức mà Lan tích trữ lâu nay đến ngày hái nên thoát khỏi họng súng pháp trường trong đường tơ kẻ tóc. Còn lại, toàn bộ con đường sự nghiệp của Lan đều thành công như mọi sự dự trù.

Đọc truyện thơ Thúy Lan, người ta càng tin vào sức mạnh của nhan sắc. Nếu không phải Lan đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” thì liệu Tổng giám đốc Gâm Lang sành điệu ăn chơi có ngay lập tức sẵn sàng ra tay giúp đỡ? Nếu không phải là Lan diễm kiều lộng lẫy thì có lấy lòng Tổng giám đốc Trần Phi Hổ mà leo lên ghế giám đốc công ty CT-1 dễ dàng như lấy viên kẹo từ trong túi áo. Hay vì Lan đài các, sang trọng mới dễ vào ra nhà Bộ trưởng Trường, tránh được lời dèm pha “Thấy người sang bắt quàng làm họ”.

Càng có nhan sắc, người phụ nữ càng có nhiều cơ hội thành công. Song tính lâu bền của thành công còn căn cứ vào sự thông minh của họ. Chưa từng ai cho Thúy Lan cơ hội tỏa sáng mà về sau lại không hài lòng, hãnh diện. Thúy Lan thực đã được trời ban cho cả sắc lẫn trí. Việc Lan không thành công mới là điều đáng ngạc nhiên chứ không phải là Thúy Lan đã thành công như thế nào!

Trên thương trường, Lan là con cá kình biết mình biết ta dũng cảm vượt lên muôn ngàn sóng dữ, luôn tính toán cẩn thận đường đi nước bước, luôn nhìn xa trông rộng và chủ động trong mọi biến cố. Phẩm chất của Lan là phẩm chất mà mọi nữ doanh nhân Việt Nam trong thế kỷ 21 này cần phải học tập. Rốt lại, để đạt được mục tiêu công việc, dù là phải dùng cách nào, phương tiện gì để đi đến đích thì đều có thể được cân nhắc áp dụng. Huống chi, Thúy Lan một mình gồng gánh trên vai gia đình và tương lai sự nghiệp.

Ta lại quan sát tiếp nàng Thúy Lan trên bình diện đối nhân xử thế. 

Không biết tác giả cố ý lồng ghép vào tác phẩm thuyết Nhân Qủa của nhà Phật hay chỉ là sự chiêm nghiệm lẽ thật cuộc đời. Ta có thể nhìn thấy các hình ảnh đơn lẻ như Thúy Lan đẹp, Thúy Lan thông minh, Thúy Lan có nội tâm phức tạp và đời sống cá nhân éo le, Thúy Lan mạnh mẽ trên vai trò người phụ nữ xã hội, Thúy Lan người bạn chân thành, Thúy Lan biết giữ lời hứa, Thúy Lan lượng cả bao dung và tha thứ cho những kẻ làm hại mình… Có một sợi dây vừa ẩn, vừa hiện toàn chiều dài tác phẩm, chính là sự gieo trồng hạt giống thiện lương của Thúy Lan đã cắt nghĩa nhanh chóng cho những sự may mắn mà Thúy Lan được hưởng và kết cục hoàn hảo của câu chuyện cổ tích hiện đại này.

Thưở bé, Thúy Lan xúc gạo cho ăn mày mà không sợ cha mẹ la rầy. Lớn lên, khi có cơ hội đều đùm bọc, cưu mang chia ngọt sẻ bùi với bạn và nhờ vậy mà luôn bên cạnh Lan là nàng Oanh tri kỷ sẵn sàng vì chị chịu đựng gian khó không từ nan. Ta ngạc nhiên trước sự rộng rãi của doanh nhân Thúy Lan thường xuyên chia sẻ phần lớn trong lợi nhuận kinh doanh của mình để làm việc thiện một cách thiết thực như: nuôi người già khó, trẻ mồ côi và những nạn nhân chất độc da cam.

Người đọc nhận ra, có lẽ Thúy Lan còn là một người có tấm lòng bao dung lớn. Bởi rằng, biết bao lần gặp hiểm nghèo như: bị người khác tung tin chuyện ngoại tình đến Hải, bị tạt a xít hủy hoại nhan sắc, bị côn đồ rạch mặt, bị vợ Gâm Lang hạ nhục tàn tệ, hay khi phát hiện ra chồng dan díu với người giúp việc, bị Cường lái xe tỏ tình thô bạo, bị Trí Thâm và Kim Ngân ném đá giấu tay đến nỗi phải nhận án tử,… ta vẫn thấy Thúy Lan không bao giờ truy cứu sự việc như người đời vốn thường như vậy. Dường như Thúy Lan biết rằng, con đường mình đi được đến thành công đã phải “vay” của người khác quá nhiều, nên nếu gặp chuyện gian nan mà may mắn tránh khỏi thì xem như đó là phận phước, còn cần chi phải dùng oán báo oán cho oán thêm chồng chất.

Thế nên, ta sẽ có ít phần ngạc nhiên khi người đàn bà sành sỏi trường đời, thông minh lạ lùng như Thúy Lan mà không hề nhận ra sự đố kỵ, ganh ghét của Hiền thư ký Gâm Lang; không nhận ra khoảng trống gia đình và sự dan díu của chồng với người giúp việc; không nhận ra tình cảm của Cường lái xe dành cho mình, và thiếu cẩn trọng đến nỗi cả tin vào bộ mặt xảo trá giả nhân nghĩa của Trí Thâm và Kim Ngân. Mà biết đâu, đó cũng là cái may của Thúy Lan, để thấy rằng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Kẻo Thúy Lan mà “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” quá lại khiến cho nhân vật trở nên siêu thực, và độc giả sẽ không còn yêu mến nàng nữa chăng?!

Và vì Thúy Lan “chín phần hoàn hảo” nên những người đàn ông trong cuộc đời Thúy Lan như cha, chồng Hải, em trai Đạo, Gâm Lang, Phi Hổ, Cường lái xe… trở nên mờ nhạt. Tất cả họ đều nằm trong phán quyết của nàng. Tất cả đều cam tâm chấp nhận sự sắp xếp của nàng và hồi hộp lo sợ một ngày sẽ mất nàng. Thực là một đức tính vừa đáng yêu lại vừa đáng sợ của người phụ nữ!

Còn con người cá nhân Thúy Lan thì sao?

Khuôn mặt đời thường đối với gia đình, xã hội, đối nhân xử thế…, Lan đều đã xây dựng cho mình khá tròn trịa. Người phụ nữ tuyệt vời phải là người phải biết trân trọng chính mình. Ta yêu Thúy Lan bởi nàng là người biết quý trọng bản thân. Chắc chắn là như vậy!

Lan yêu cuộc sống chính mình nên dù phải sống với người chồng nhợt nhạt như Hải, Lan vẫn sẽ chọn. Vì còn sống là còn thực hiện được mơ ước cống hiến cho đời. Rồi thì, dù có “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” vậy. 

Lan yêu bản thân nên đứng trước việc phải dùng nhan sắc để chấn hưng sự nghiệp, Lan đau xót vật vã, dày vò tâm can:
Đã vào lối động tiên này
Là trao cho hết những gì của riêng
Đã bạn cùng với giàu sang
Mở thông tầm trí, trao hàng ngang phân
Hữu hình vật chất là cần
Vô hình vô giá chẳng cân nào tày
Trời ơi đất hỡi con đây
Toan thân chấp nhận là dây miệng đời
Chối từ, tránh né lời mời
Ai còn cứu cánh mạng thời đang rơi
Thúy Lan yêu bản thân, nên trân trọng những ai đã giúp đỡ mình. Thúy Lan thương mến và chăm lo cho nàng Oanh bằng cái tình “môi hở răng lạnh” để báo đáp Oanh luôn kề vai sát cánh bên mình kể cả khi khó khăn lẫn khi thành đạt.
Gần xa rồi chuyện mung lung
Trời cho duyên phận ghép cùng hai ta
Chỉ xe mối kép vít tà
Áo lành ấm ngực, hở ra lạnh đùi
Một khi, em sướng chị vui
Em đau chị xót em tươi chị mừng
Thúy Lan luôn tâm niệm sẽ trả ơn cho Gâm Lang đã vì si mê mình mà lầm lạc.
Giúp em nhiều, anh Gâm Lang
Mai rày em trả, đoàng hoàng như vay
Đèn kia hãy chứng dám đây
Không làm được, Lan tự tay xử mình…
 Và cảm kích tình nghĩa của Phi Hổ mà Thúy Lan luôn có ý thức hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc.
Bước chân Lan đặt tới đâu
Hàng hàng tới đó, cầu cầu đường thông
Phi Lang sung sướng vô cùng
Bác Nam cũng vậy, chủ trương đúng hề
Thúy Lan cũng yêu thương chính mình thiệt thòi trong chuyện gối chăn chồng vợ nên đã nhiều dày vò tâm tư:
Duy thay, duy chỉ một điều
Hải – anh một xách, chị sao khổ vầy
Mong trời thương giúp nới tay
Bù cho chị chút, mới hay công bằng
Ý Oanh muốn sức… hổ rồng?
Phải chi được vậy em mong từng ngày
Ngang Lý Đức, Thạch Sanh đây
Tưới cho đời chị, đẫy ngày bớt đêm
Lỡ như chị đã…. Thì em
Coi là đánh mất thủy chung không nào?
Dẽ cho ai thấu phận đào
Dẽ cho đã hiểu nỗi đau của người
Sẽ không trách móc không cười
Nhất tề đồng thuận chuyện đời đúng thay
Miễn sao nhà cửa sum vầy
Vẫn thương anh ấy, như cây phủ rừng
Xã hội Á đông thường không chấp nhận các mối quan hệ ngoài gia đình vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội để tìm lối thoát cho hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, ở một biên độ thật hẹp, thật nhỏ, thật kín đáo, thật khuất lấp thôi, khi đứng từ khía cạnh con người cá nhân, có lẽ người đọc cũng sẽ như nàng Oanh, gật đầu, tặc lưỡi, cảm thông cho sự cả gan “xé rào” luân thường đạo lý của Thúy Lan chăng?!

Nhà thơ Lê Hữu Bình phải có tư tưởng tiến bộ ghê lắm mới thỏa hiệp với các chuyện “tày đình” này của Thúy Lan. Mà xét cho cùng, sự che chở này ắt là của người cha dành cho con gái, chứ từ tư cách người chồng, có khi tác giả sẽ cân phân hơn chăng?! Bởi dù xã hội có hiện đại đến như thế nào, người phụ nữ vẫn sẽ không thoát khỏi định luật “lấy chồng thì phải theo chồng”, như ca dao xưa đã nhắn nhủ:
Con vua lấy thằng bán than   
Nó dắt lên ngàn cũng phải đi theo

Thói đời đen bạc và lời cảnh tỉnh về luật nhân quả 

Khổng Tử dạy rằng: “Ngũ thập nhi, tri thiên mệnh”, tức ngoài 50 tuổi thì hiểu được mệnh trời. Cuộc sống thăng trầm đã nhiều nên nhà thơ Lê Hữu Bình không hề ngần ngại phô bày luật nhân quả trong tác phẩm.

Thông qua những kết thúc hoặc “có hậu”, hoặc “vô hậu” đối với từng nhân vật, tác giả chính thức gióng những hồi chuông mãnh liệt nhằm cảnh báo tình trạng đi xuống của đạo đức xã hội, những mặt trái con người và quả báo mà ai cũng phải nhận sau tất cả.

Ta ghê sợ một nhân vật người chồng Gâm Lang “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Trong công việc, tiểu nhân đê hèn dùng thế lực của mình mà ép buộc một Thúy Lan cận kề bên vực thẳm phải hiến thân cho hắn ta rồi mới được hắn ra ơn cứu giúp. Có thể gọi là gì nếu không phải một “thất phu lỗ mãng”, bẩn thỉu, bệnh hoạn và đáng khinh bỉ. Để rồi sau khi chiếm đoạt được sắc đẹp thì mù quáng lao theo bất kể đúng sai, bất kể làm hại cho tổ chức, tập thể. Và vì muốn mãi mãi sở hữu nhan sắc nên quay lại ruồng bỏ vợ con, dùng những âm mưu hạ tiện nhất để giết vợ hòng sớm đạt được mục đích cưới Thúy Lan. Rốt cuộc là gì, là một Gâm Lang thân bại danh liệt phải vào tù ra tội. Thúy Lan làm sao có thể theo Gâm Lang mãi được. Cuối cùng, chỉ có người vợ “sung lùn mèo ghẻ kiếp thê hãm bần” là còn lại thăm nom, tận tụy với Gâm Lang mà thôi. Gâm Lang đã quên mất một điều “Của chồng, công vợ”, quên mất câu “phu xướng, phụ tùy”. Và người vợ của Gâm Lang, tuy đã già xấu nhưng vẫn một lòng hướng về Gâm Lang như tấc lòng người vợ Việt Nam nhẫn nhịn,  thủy chung:
Chàng ơi phụ thiếp mà chi
Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng
Vậy còn vợ Gâm Lang, bà là một người như thế nào mà đã biến thái trong mắt chồng ghê sợ đến như thế này:
Giờ nay thấy vợ càng xề
Sung lùn mèo ghẻ, kiếp thê hãm bần
Đũa mốc, còn đặng mâm son
Nặng mùi, dại chợ gà cùn cối xay
Đống thừa, hương vãi, hoa khoai
Đoạn tình chán nhạt, ngày ngày kề bên
….
Vợ chi khi gặp người ta
Đong đầy xấu hổ vì ma lẫn người

Là chị em phụ nữ, ai đọc đoạn thơ này mà không đau buốt tận tâm cam. Lẽ thường, đàn ông ưa thích cái đẹp và sự mới lạ. Thế nên, tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ, thời nào đi nữa cũng vẫn luôn giữ nguyên giá trị. Người ta có thể linh hoạt, tùy biến nó để vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà” kia mà! Bởi lẽ, hiếm có cặp vợ chồng mãi mãi “tương kính như tân” sau hàng chục năm chung sống. Chỉ có những người phụ nữ đoan chính, điềm đạm, dịu hiền, nhẫn nại thì mới giữ được hạnh phúc và sự tôn trọng của người chồng mà thôi. Còn sắc đẹp ư? Đó là thứ trang sức rực rõ nhất và cũng mong manh nhất trong gia sản của người phụ nữ!
Hay như bi kịch người chồng thay lòng đổi dạ của gia đình Phi Hổ - Thanh Hằng, ta thực sự khó bề lý giải. Nếu như trên, vợ Gâm Lang quá xấu xí, thô kệch thì Thanh Hằng, vợ Phi Hổ xét bề nhan sắc có phần không thua kém Thúy Lan. Chỉ có thể giải thích rằng cuộc gặp gỡ của Thúy Lan – Phi Hổ là của “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”, và Thanh Hằng dù cố gắng đến mấy thì vẫn bị cảm giác “nhàm chán” làm tăng phần ‘tàn phai” trong mắt chồng khi:
Đàn bà đẹp đến tơi bời
Khiến tim tan vỡ, nát tơi cõi lòng
Lan như hồng thắm kiệt cùng
Hằng mau sậm sệ, rọc mùng ổ khoai

Tuy rằng Phi Hổ kín đáo hơn, không công khai ruồng bỏ vợ con, biết các giới hạn của mình để giữ lại gia đình nhưng chị em phụ nữ cũng nên mau mau ghi nhớ mà yêu thương bản thân hơn, khoan đổ hết lỗi cho đàn ông đen bạc một khi chính mình cũng quên chăm sóc vẻ ngoài lẫn tâm hồn được mãi luôn tươi mới, như quyển sách đọc không bao giờ hết, để chồng luôn yêu thương mình thiết tha. Nhỡ khi chàng có bị “những phút xao lòng” thì vẫn còn biết giữ lại cho nhau một con đường thương yêu mà trở về.

Độc giả hoàn toàn thông cảm cho việc vợ Gâm Lang, Phi Hổ vì bảo vệ hạnh phúc của mình mà lồng lộn, cay nghiệt. Tuy nhiên, những hành vi văn hóa đương nhiên sẽ hiệu quả hơn các phương thức đánh ghen man rợ như tạt a xít, rạch mặt bằng dao lam…, nhà thơ Lê Hữu Bình ý nhị nhắc nhở vậy đó!

Trên bức tranh toàn cảnh của một xã hội đầy trắc trở, chúng ta khó tránh khỏi việc giáp mặt với những người như Hiền thư ký, vì không được đáp lại tình yêu mà làm nhiều việc tàn ác để thỏa mãn cái sân hận của mình; Hai trưởng phòng tại Công ty Gâm Lang, do suy nghĩ hạn hẹp mà thành hại mình hại người; Giám đốc Mai Mốt kém tài, nhu nhược, hám lợi; Người giúp việc Xoan mưu toan thay chủ chiếm nhà; Trí Thâm – Kim Ngân thọc gậy bánh xe, ngậm máu phun người; Hay cấp thấp hơn chính là những kẻ xã hội đen sẵn sàng chém giết chỉ vì có người trả tiền thuê mướn….

Chao ôi, như vậy thì bức tranh cuộc đời xám xịt quá. Nhẽ nào, xã hội chỉ toàn những kẻ tráo trở, đảo điên, đổi trắng thay đen như trở bàn tay hay sao? Nếu vậy, ta còn biết trông mong vào đâu và tin vào ai để sống?!

Nói vậy thôi, ta sao có thể quên một nàng Oanh tín nghĩa, trung thành vì chị mà xả thân không hề tiếc. Sao ta có thể quên Cường lái xe bồng bột nhưng trượng nghĩa. Ta chắc chắn phải nhớ bộ trưởng Trường lấy từ tâm mà đối xử với kẻ dưới, hay như anh Đồng công an liêm khiết, chí công vô tư…. 

Trong truyện thơ Thúy Lan, các nhân vật thực với nguyên mẫu trong đời thường là 100%, chỉ riêng có nàng Lan là được tác giả ưu ái mà giảm xuống còn khoảng tám, chín mươi phần trăm gì đó, để có chỗ mà lách, có cớ mà xử lý những đỉnh cao trái ngang không thể giải quyết trong cuộc đời thực. Để nhắn nhủ với thế nhân rằng, người tốt sẽ luôn luôn được bù đắp, hãy “sống thiện” ngay tại phút giây này, ngay khi ta còn có thể. Còn người làm việc xấu, phi nghĩa thì tất yếu sẽ trả giá cho việc làm của mình sớm lắm!

Cảm thức tính dục trong truyện thơ Thúy Lan

Một trong những điểm nổi bật của truyện thơ Thúy Lan chính là cảm thức tính dục dàn trải trong toàn câu chuyện. Có thể nói, nhà thơ là một người biết thưởng thức cái đẹp và trân trọng các giá trị nhân sinh, nên cách mà tác giả đề cập đến chuyện ái ân nam nữ rất gợi cảm.
Dưới ngòi bút của nhà thơ, vẻ đẹp của Thúy Lan hiện lên đầy cám dỗ:
Nữ hoàng của các loài công
Lưng ong thắt đáy, nét cong tuyệt vời
Nõn nà, hồng phớt chân ty
Sẫm vùng lưu thủy, trẳng lỳ tận tay
Thẳng tưng theo bước Lan đi
Gợn cung nền váy, gân quây mông tròn
Đều ra hai phía, pa ra bôn
Lùm lùm gợi cảm, vi phân phương trình
Lan như thế đó, làm sao mà chàng Hải xanh xao không chết run trong đêm tân hôn khiến cho người đọc phải bật cười tội nghiệp:
 Hải run hồi hộp nằm xa
Thở như thở trộm suýt va tay nàng
Nhà thơ phân tích cảm xúc hồi hộp của Gâm Lang trước buổi hẹn hò với Thúy Lan đầy những dạn dày kinh nghiệm ăn chơi trác táng và cũng đồng thời là một hiện thực xã hội “thót tim”:
Đã từng em yến, nàng oanh
Đã từng bao cuộc lầu xanh trá hình
Chắt ra một lũ yêu tinh
Mua vui, bo đẹp vờ tình ngây ngô
Ca ve đĩ điếm chạy xô
Xổ ra một bồ, em vẫn còn zin
Lạ chi động tác mẹ mìn
Xoạc ngang dậu rách, tốc hiên mái hồi
Nhà thơ cũng khéo ghê khi mô tả cảnh đẩy đưa, ỡm ờ của cuộc đổi chác Tình – Tiền giữa Thúy Lan và Tổng Gâm
Dùng dằng nửa giữ nửa phân
Thúy Lan nhất mực dẫy dần tách ra
Nụ hôn khoảng cách dần xa
Dương thu máu lại, âm nhòa mép xuân
Và cái cách mà Gâm Lang ân ái càng tỏ rõ cái chất thô bỉ của hắn ta:
Bình sinh dồn sức tới nơi
Vần hơn đòi nợ, cho tơi tận cùng
Dai ngang chảo bện kéo thuyền
Mạnh ngang hổ đói trâu điên đầu đàn
Ben La vùng mỏ chở than
Mũi khoan địa chất có phần xê ra
Đàn ông khiếp quá, thật là
Làm cho tột đỉnh, làm ta giật mình
Thú vị nhất có lẽ là đoạn nhà thơ mô tả lúc Thúy Lan và Phi Hổ phải lòng nhau
Tối nay khách sạn Thiên Đàn
Hai phòng hai đứa đều chan chứa lòng
Thúy Lan chộn rộn, vẫn không
Mặc cho Phi Hổ sổ lồng muốn sang
Đèn tường lem lét ngó ngang
Váy lon dính mỏng, ẩn hàng…nguyên sơ
Bởi vì “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” thôi, cho nên chuyện gì đến thời ắt phải đến:
Run run hồi hộp tỏa lan
Lan che lấy ngực, Hổ lần đai lưng
Cũng sau vài phút lùng nhùng
Bướm đành thả cánh, lộ bung khung thành
Vẫn còn khép góc giấu quân
Cành xuân, gấu trúc bẻ tan gọng kìm
Cảm thức tính dục thấm đẫm trong tác phẩm truyện thơ Thúy Lan nhưng tác giả đề cập đến đề tài tế nhị này bằng một xúc cảm thẩm mỹ khiến người đọc lay động, để rồi thông cảm cho những điều chưa phải trên khía cạnh đạo đức của các nhân vật. 

Tác giả khá kỳ công tìm kiếm các từ ngữ tượng hình, tượng thanh và biểu cảm thẳng thắn, không quanh co, ngại ngùng đã khiến độc giả dù bảo thủ văn hóa đến mấy cũng có thể cảm nhận được tâm hồn của nhân vật. Có thể nói, trên khía cạnh này, nhà thơ đã thể hiện rất thành công.

Khép lại

Công tâm mà nhận xét, truyện thơ Thúy Lan là một tập thơ cuốn hút. Sự hấp dẫn của tập thơ đến từ việc tác giả đã bê được nguyên các mảng màu cuộc sống, con người xã hội vào đây. Trong thực có ước lệ, trong ước lệ rõ rành là hiện thực. Chưa kể cốt truyện khá hấp dẫn, nhân vật sống động, tình huống thực tế che được khá kỹ bàn tay sắp đặt của tác giả. Ta trân trọng một tâm hồn người lính nhân hậu chứa chan trong tác phẩm. Là ký ức đẹp thời quân ngũ ăn gió nằm sương vì Tổ quốc thể hiện trong các đoạn miêu tả cảnh rừng núi và tâm trạng Thúy Lan ngày đầu khai phá Thung lũng Nai; Là tấm lòng người lính với đồng đội của mình khi mong ước có được nhiều hơn sự chăm sóc đối với những thế hệ nhiễm chất độc da cam – nạn nhân của cuộc chiến tranh chống Mỹ; và nhà thơ còn dạt dào mong ước mọi doanh nhân Việt Nam – những người lính tuyến đầu của chiến trường kinh tế giỏi giang, năng động, đóng góp cho việc xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp …

Người đọc có thể đo đếm được công phu tác giả dồn cho đứa con tinh thần của mình khá lớn. Hơn 4000 câu thơ tâm huyết của tác  giả đã tái hiện thành công một xã hội đầy những góc khuất bằng tấm lòng thấu cảm nhân tình thế thái.

Bên cạnh những ưu điểm về cốt truyện và nội dung, do quá chú trọng việc biểu đạt hình ảnh nên ngôn ngữ thơ nhiều chỗ thiển nghĩ tác giả nên trau chuốt thêm. 

“Ðể trong lòng là chí, ngụ ra ý là thơ. Người có sâu, cạn cho nên thơ có mờ có tỏ, rộng hẹp khác nhau. Người làm thơ không ngoài lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị.” (Nguyễn Cư Trinh)

Đọc xong truyện thơ Thúy Lan, chúng ta đều nhất trí:
Có câu “muôn sự tại trời”
E rằng mới nửa, đúng thôi không nào?
Nhân tâm cốt cách chí cao
Lượng đó định vào lẽ sống ai ơi
Căn cùng cung bậc chín mười
Suy đi ngẫm lại, nên người từ: Tâm
Đây đó trong hình ảnh Thúy Lan, là cuộc sống bản lĩnh của nhiều phụ nữ Việt Nam đang vươn lên khẳng định vai trò và giá trị xã hội của mình trong cuộc sống. Cuộc đời, đương nhiên tồn tại nhiều nỗi uẩn khúc, song, khi trái tim ta bao dung, rộng lớn, mọi chát đắng đều có thể lý giải, thông cảm, chia sẻ và dung hòa. Và Thúy Lan, nàng là hiện thân cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại, người tự làm chủ cuộc đời và ý chí, sẵn sàng cởi mình khỏi những định kiến, những ẩn ức bản năng đã nặng nề ngàn năm ràng buộc.

Hạ Vũ

     

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes