9/6/14

Nhớ hoài dâu chín tím vân

 
 
Nhà em ở cạnh nhà anh
Cách nhau một dải dâu xanh mượt mà
Ngày xuân dâu nở nhiều hoa
Hương thơm man mác hai nhà đón xuân
Bao giờ dâu chín tím vân
Hái dâu gửi tặng người gần nhà anh

Bài thơ “Dâu chín tím vân” của nhà thơ Phạm Văn Tất đọc lên có cảm giác vừa lạ vừa quen. Quen vì chuyện giống chuyện. Còn lạ bởi tình yêu trong thơ ông có màu sắc và mùi vị rất riêng xưa nay chưa từng thấy. Đây là một trong số những thi phẩm mà tôi ưa thích do tác giả Phạm Văn Tất sáng tác. Bài thơ có cái vẻ nhỏ xinh như một món quà lưu niệm mà người ta trao nhau vào một dịp hợp lý nào đó.
 
Yêu người hàng xóm vốn không phải là đề tài mới trong thi ca Việt Nam. Hàng chục năm nay, bài thơ “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính vẫn luôn nhận được sự yêu mến của độc giả. Chưa kể trong âm nhạc chúng ta không thể không nhắc đến hai nhạc phẩm nổi tiếng là “Cô láng giềng” của Hoàng Qúy và “Cô hàng xóm” của Lê Minh Bằng. Dẫn chứng ra như vậy để thấy rằng, khi nào mà còn cái cớ “nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi/ cái hàng tường vi hay chỉ là một ngõ xóm” thôi thì cũng đã đủ chất liệu dệt nên một tình yêu lãng mạn.

Như tôi có đề cập đến ở trên, “Dâu chín tím vân” thoáng đọc có dáng dấp của tác phẩm “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính về bối cảnh. Bài thơ nhắc đến một chuyện tình thơ mộng thôn quê. Chàng trai và cô gái dường như lớn lên cùng nhau và:

Nhà em ở cạnh nhà anh
Cách nhau một dải dâu xanh mượt mà

“Nhà em” cách “nhà anh” “một dải dâu xanh mượt mà”. Không giống các ranh giới “kinh điển” là dậu mồng tơi, bờ tường vi hay con ngõ nhỏ, “dải dâu” khiến người đọc khó ước lượng được khoảng cách giữa nhà chàng – nàng, còn màu “xanh mượt mà” lại gợi nhớ đến tuổi thơ và những kỷ niệm dịu dàng thuở hoa niên đã có giữa hai người. Thế rồi:

Ngày xuân dâu nở nhiều hoa
Hương thơm man mác hai nhà đón xuân


Đây là hai câu thơ rất dễ chịu. Nó đóng vai trò diễn tả, kết nối không gian từ quá khứ đến hiện tại và rồi sẽ là một tương lai nào đó có khả năng xảy ra. Người đọc được chìm mình trong một khung cảnh yêu kiều: trời đất đã vào xuân, dải dâu xanh ngày nào nay đã nở hoa. Mùa xuân hoa nở là chuyện đương nhiên, có điều “hương thơm man mác” lan tỏa giữa hai ngôi nhà chúng ta là hương hoa dâu thật hay chỉ cái ý “tình trong như đã mặt ngoài còn e” của lứa đôi. Tuy không còn che giấu được nữa nhưng cả hai cũng chưa xác định sự chắc chắn trong tình cảm của mình và người kia cho nên thực ra tình dù có song cũng chỉ là “phảng phất” như hương hoa dâu đó thôi! Vậy nên chàng trai phải mượn cảnh xuân để nói tình xuân:

Bao giờ dâu chín tím vân
Hái dâu gửi tặng người gần nhà anh


Chúng ta nhận thấy có sự tăng trưởng về mặt thời gian qua hiện tượng: dâu xanh mượt mà à mùa xuân dâu nở nhiều hoa à dâu chín tím vân khiến một sự việc từ “mơ hồ” trở thành “nắm bắt được”: “hương dâu man mác” nay đã có thể “hái dâu gửi tặng”. Đây là quãng thời gian thực, tương đương một mùa vụ trồng dâu nuôi tằm.

Xét về mặt hiện tượng, rõ ràng người con trai chỉ hứa tặng cô gái những chùm dâu ngon khi chín tới nhưng thực ra ẩn sâu trong câu nói của chàng là một lời thổ lộ và hứa hẹn yêu thương chu đáo. Người đọc cho rằng chàng trai trong bài thơ rất chín chắn trong tình yêu.

Chàng trai hoàn toàn có thể nói với cô gái rằng “Em ơi, khi nào dâu nhà anh chín thì anh hái tặng em nhé!”. Nếu chàng nói vậy chúng ta có thể hiểu rằng đúng là lúc nào dâu chín anh mời cô ăn thật, tức chẳng có tí tình cảm gì hết hoặc chàng có ý nhưng chàng vẫn còn “trẻ con” quá, thật thà quá. Cô gái chắc chắn sẽ thất vọng. Cô gái chắc chắn sẽ dỗi hờn mà trả lời rằng: “Nhà em cũng có dâu chín anh ạ”, hoặc sẽ là “Em không thích ăn dâu” để mà từ chối, để mà cong cớn với người con trai “ngốc” đang đứng trước mặt nàng.

Thế nhưng chàng trai lại khéo quá cơ!
Chàng không nói “dâu chín”, chàng nói “dâu chín tím vân”
Chàng không nói “hái dâu mời em”, chàng nói “hái dâu gửi tặng người gần nhà anh”
 
Qủa dâu tằm chín nào phải loại trái cây sang quý gì đâu mà phải nói năng trịnh trọng đến thế. Người đọc có lạ gì quả dâu tằm bé bé xinh xinh ấy. Khi chín, thường dâu chuyển từ màu xanh non sang màu hồng, màu đỏ và cuối cùng là chín đen, khi đó quả dâu khá ngọt. Thế nên tôi có phần ngạc nhiên trước màu “dâu chín tím vân” của tác giả. Tìm trong thực tế, tra trong các bảng màu, tôi chẳng thấy có định nghĩa về màu “tím vân” như tác giả nói. “Tím vân” chắc chắn là một dạng của màu tím - vốn tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu. Ai cũng hiểu tím than, tím đỏ, tím Huế, tím sim… chứ tím vân thì…. Người đọc cho rằng màu tím vân ấy có xu hướng tím đậm đà, hơi ngả ánh của ráng chiều. Nó có phần nhẹ như mây nhưng rõ ràng hình khối. Mà cũng có lẽ, màu ấy của quả ấy thực ra là màu của tình yêu chàng dành cho “người gần nhà anh” đấy thôi.

Tôi đoán chàng trai muốn nói với người con gái mà anh đang thầm thương trộm nhớ rằng: hiện tại tình cảm giữa hai người tuy có nhưng vẫn còn mông lung, chưa rõ một điều gì và chưa thể đi đến một quyết định gì. Vậy hãy chờ thêm một thời gian nữa, để cả hai bên được tìm hiểu nhau rõ ràng hơn và cũng xác tín thật rõ lòng mình. Một khi tình yêu đủ chín, chàng sẽ tặng cho cô gái những gì tốt đẹp nhất, chung thủy nhất.

Chao ôi, tôi cho rằng những mối tình hoa mộng như trong bài thơ “Dâu chín tím vân” này bây giờ thật tìm chẳng thấy bởi quá thanh khiết và dịu dàng. Và cách tỏ tình kiểu “ý toại ngôn ngoại” này thực sự chỉ có thể dành cho người tri kỷ mà thôi.

Một trong những điểm mạnh của nhà thơ Phạm Văn Tất là sử dụng nhuần nhuyễn thể loại thơ lục bát. Thể thơ này đã đem lại cái phong vị thôn dã tươi sáng, thuần hậu đậm đà chất Việt và bàng bạc hoài niệm cố hương cho bài thơ.

Có bao nhiêu con đường để đi đến tình yêu thì cũng có bấy nhiêu cách bày tỏ tấm chân tình. Các cô gái đang yêu thường hay hỏi người yêu rằng: “Tại sao anh yêu em?”. Chắc chắn sẽ có hàng ngàn đáp án kiểu như “Vì em xinh, vì em ngoan, vì em dịu dàng, vì em tóc dài, vì em da trắng….”. Ngoài các câu trả lời chính đáng và làm đẹp lòng người yêu này thì trong nghệ thuật lẫn đời sống thực, người đọc còn thấy có một câu trả lời rất chi đặc biệt: “Vì nhà em ở cạnh nhà anh”

Graham Greene nói rằng: "Chẳng bao giờ xảy ra chuyện ta yêu mà người con gái không hề hay biết – ta tin rằng mình đã tỏ tình một cách rõ ràng bằng một giọng nói, một cái chạm tay". Vì vậy ta cũng có thể kết luận rằng, khi chàng trai hái những chùm dâu chín tím mọng trong vườn mình gửi tặng người con gái thì chắc chắn là một lời tỏ tình êm ái!

Hạ Vũ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Facebook Themes