Vũ khúc cuộc đời (Ảnh sưu tầm từ Internet) |
Ngồi bên góc đường, sau tủ bánh mì, nàng kéo cao cổ áo chống lại cái lạnh ập đến rồi nhanh nhẹn đứng dậy kéo bạt che quầy hàng và chỗ ngồi của mình lại. Che chắn xong thì chui vào cái tổ nho nhỏ và ấm cúng của mình, tận hưởng cảnh thanh bình ngắm mưa rơi bên lò than ấm, và dịu dàng chìm đắm trong không gian mênh mang cùng những bản nhạc không lời của Richard Claydeman.
Một người đàn ông ăn vận chỉn chu bước vội qua đường. Chiếc ô tô đậu bên lề chợt lóe đèn sáng chói. Người đàn ông vứt vội điếu thuốc hút dở trên tay xuống lòng đường, leo lên ô tô, đóng cửa lại rồi chạy mất dạng. Hình ảnh điếu thuốc nằm chỏng chơ, còn cố le lói chút ánh sáng trước khi bị dòng xe cộ vụt qua dập tắt dội vào tim nàng, tự nhiên một cảm giác khó chịu ập đến!
Gió thổi mạnh hơn, mưa nhiều hơn, hoa hoàng hậu rụng tím cả con ngõ nhỏ. Chua chát thay, dưới tán hoa là hai thùng rác to. Những cánh hoa tím biếc rụng tím biếc con ngõ lẽ ra mơ màng biết mấy, cuối cùng bị cái thô thiển kia lấn át hết cả. Lại thành ra một cảnh nham nhở nửa khóc nửa cười, như thể cái câu "đóa hoa lài cắm bãi cứt trâu".
Cảm giác đó của nàng cũng tựa cảm giác của một số khách đến mua bánh mì ăn sáng, nghe thấy âm thanh du dương của các bản hòa tấu, tự họ cũng thấy khó chịu khi một ả bán bánh mì vỉa hè mà cũng nghe cái thứ âm nhạc có vẻ sang chảnh đó vậy. Đôi khi có người dò hỏi, nàng mỉm cười kể về một vài kỷ niệm hồi đi học Đại học. Họ có vẻ ngạc nhiên. Thời nay, bán bánh mì vẫn là công việc lao động tay chân. Thế quái nào mà ả bán bánh mì này lại có thể từng học Đại học nhỉ?!
Một người phụ nữ trung niên mặc chiếc áo mưa tiện lợi, dừng chiếc xe đạp cà tàng bên thùng rác. Chị dùng chiếc móc sắt trên tay, bới thùng rác lên tìm kiếm mặc kệ mùi xú uế. Thi thoảng kiếm được một món đồ có thể bán lại cho vựa ve chai, chị cho vào túi to, rồi lầm lũi đạp đi.
Một cụ già ốm tong teo, bước đi xiêu vẹo trong mưa tầm tã, trên tay tập vé số dày dặn. Cụ tiến vào quán cà phê, quán bún bò bên đường, mời khách ở đó mua. Một vài người chủ động vẫy cụ đến dò lại tấm vé ngày qua của họ, nhiều người từ chối vì họ không thấy hy vọng vào trò xổ số có thể mang vận may đến cho mình.
Những em sinh viên trẻ trung, nhiệt huyết, ôm tập sách vở trên tay bước chân vào cổng trường. Em sẽ được học nhiều điều từ trường Đại học, Cao đẳng, và ước mơ sẽ dẫn dắt em tìm kiếm thành công trong cuộc đời về sau. Như nàng ngày xưa, nghĩ vậy, bất giác trên môi điểm một nụ cười.
Tủ bánh mì đặt khuất trong ngõ, mỗi ngày bán được dăm chục ổ. Thành ra có hẳn danh sách khách quen ăn bánh mì hàng ngày do họ thích thú hương vị đậm đà của quán, và còn vì tính tình vui vẻ xởi lởi của bà chủ - mẹ nàng. Có một niềm vui dẫn dắt nàng. Từ e ngại, cuối cùng đã trở nên say mê. Lúc lạc quan, nàng còn mong sau này tích lũy đủ vốn để mở một cửa hàng bánh mì chuyên nghiệp hơn, chấm dứt cảnh ngồi dầm mặt ngoài đường trong mưa nắng, tàn phai hết cả nhan sắc vốn đã eo hẹp của nàng.
Từ ngày quyết định bán bánh mì buổi sáng tăng thu nhập, nàng được trải nghiệm thêm nhiều cảm xúc, thấy thấm thía vinh nhục đời người. Như ngồi trong lò Bát quái luyện đan, có lúc nàng thấy bất nhẫn với cái nhìn thiển cận của người ta vốn quen dò xét phẩm hạnh nhau thông qua vẻ bề ngoài mà kẻ đó chứng tỏ. Bản thân nàng, trước đây, có lẽ cũng từng là một người trong số họ, cho đến khi nàng phải một mình trong bóng đêm đen thăm thẳm không lối thoát, tự khâu vá chữa lành vết thương lòng do đã thơ ngây quá lâu, thì cuối cùng nàng không bao giờ còn nhìn thấy cuộc đời này màu hồng như thời son trẻ được nữa.
Những người hàng xóm, người họ hàng xa đi qua đi lại tủ bánh mì của nàng. Ban đầu họ kinh ngạc vì một người kiêu hãnh như nàng lại có thể ra ngồi bán bánh mì ngoài đường. Rồi sau, họ bắt đầu tỏ thái độ khinh khi ra mặt: "cái ngữ ấy, con đó, bây giờ tàn rồi, chỉ có thể bán bánh mì kiếm sống". Có kẻ cười hô hố hả hê, có kẻ giả vờ thông cảm hỏi han ân cần, nhưng cũng chỉ là để ngắm vuốt xem nàng đang cảm thấy thế nào khi phải đứng bán bánh mì ngoài vỉa hè.
Nàng nghe thấy hết, nhìn thấy hết, nàng mỉm cười. Vui chứ!
Không nhờ việc này sao nàng biết được hết lòng người.
Ngày nắng, nàng đội mũ lưỡi trai, bím tóc cao, bôi kem chống nắng lên tay chân mặt mũi.
Ngày mưa rét, nàng đi ủng, mặc đồ ấm, quấn khăn len và đội mũ len.
Bảo hộ lao động kín kẽ đi bán bánh mì.
Nàng đợi những người thích tỏ vẻ thương hại người khác, những người cười ông ổng sau lưng nàng vì nàng đi bán bánh mì vỉa hè tới lân la nói chuyện, rồi nàng mới kể cho họ nghe rằng, nàng nghe đâu có người cười nàng như này, bày tỏ về nàng như này, abc hầm bà lằng với họ. Nàng sẽ bảo với họ rằng "sao mấy kẻ đó rãnh rỗi và đáng thương quá ha?!". Tức thì một số trong đó mặt đổi sang màu bầm bầm, vội vã nói với nàng rằng: "Ôi, phi thương bất phú, ai nói gì kệ con/cháu/chị/em ơi!". Nàng cười nhạt!
Nàng thích bán bánh mì. Cái vị trí nàng đứng tại vỉa hè này dạy cho nàng nhiều bài học. Cho nàng biết giá trị con người không phải ở áo quần láng bóng, dung mạo tôn nghiêm, tiền bạc xủng xẻng. Tất cả những thứ đểu giả, rởm đời được phát lộ vào những thời điểm, hoặc ở những hành động mà người ta thản nhiên bộc lộ vì nghĩ rằng đã được che đậy kỹ càng rồi qua lớp vỏ bảo vệ của ngôn từ và áo quần, tiền bạc. Như điếu thuốc hút dở được ông chủ lịch lãm vứt tạch xuống lòng đường sạch bóng không vết rác mà nàng vừa nhìn thấy.
Biết đời cũng gian lao lắm.
Và biết đời cũng nhân ái lắm.
Vậy đời này đáng sống quá.
Chỉ cần mẹ con nàng và gia đình có thể sống vui vẻ, những thứ phù du ảo hóa do người đời khoác lên đó, chẳng có giá trị gì đối với nàng.
Mùa đông Huế đỏng đảnh đến lạ, đang nắng mà mưa đến là rét cóng, mà mưa lạnh bao nhiêu, chỉ cần một ngày nắng thì cũng ngay lập tức nóng bức tứa mồ hôi.
Hôm nay nắng nắng mưa mưa, nàng tự dưng thích nói xàm.
Xin lỗi, nàng chỉ là đứa bán bánh mì vỉa hè, thông cảm nhé!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét